Cựu Tổng thống Obama vận động cho bà Harris: Kêu gọi phá bỏ định kiến về giới tính và chủng tộc

Rạng sáng 11.10 (giờ Việt Nam), cựu Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu vận động tranh cử nồng nhiệt và đầy cảm xúc từ Pittsburgh, kêu gọi cử tri Pennsylvania bỏ phiếu cho liên danh của đảng Dân chủ: bà Kamala Harris và ông Tim Walz. Thông điệp của ông hướng đến khối cử tri cụ thể: cộng đồng gốc Phi và Mỹ Latin với lời kêu gọi hành động vì bình đẳng giới và bình đẳng chủng tộc.

Kêu gọi cử tri nam ủng hộ cho ứng cử viên nữ

Trích dẫn “những báo cáo từ các chiến dịch và cộng đồng”, ông Obama chỉ ra sự nhiệt thành dành cho bà Harris thấp hơn với sự ủng hộ dành cho ông khi tranh cử tổng thống năm 2008.

“Quý vị đưa ra đủ mọi lý do và biện minh. Tôi nhận thấy điều đó thực sự có vấn đề”, cựu Tổng thống nói. “Một phần là do quý vị không cảm thấy hứng thú với ý nghĩ có một người phụ nữ làm tổng thống, và quý vị đưa ra những lựa chọn thay thế khác. Những người phụ nữ trong cuộc sống của chúng ta luôn luôn ủng hộ chúng ta trong suốt thời gian qua. Khi chúng ta gặp rắc rối và hệ thống không hoạt động vì chúng ta, họ là những người ra ngoài biểu tình và tuần hành”.

 Cựu Tổng thống Barack Obama phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tại Pittsburgh, Pensivania. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống Barack Obama phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tại Pittsburgh, Pensivania. Ảnh: AP

Những lời lẽ nghiêm khắc của cựu Tổng thống nhằm giải quyết dấu hiệu đáng lo ngại đối với bà Harris, trong đó có tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ gốc Phi dành cho bà vẫn thấp hơn so với Tổng thống Joe Biden tại tiểu bang này vào năm 2020. Các cố vấn của bà Harris và một loạt các nhà chiến lược của Dân chủ tin rằng, nếu có ai đó có thể khuyến khích cử tri da màu đi bỏ phiếu, thì đó chính là ông Obama.

Cựu Tổng thống đảng Dân chủ đã biến tiểu bang chiến trường Pennsylvania thành điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến vận động tranh cử của mình khi chỉ còn chưa đầy 4 tuần nữa là đến Ngày bầu cử. Ông Obama đã sử dụng cuộc meeting từ Pittsburgh để trực tiếp kêu gọi cử tri nam ủng hộ một ứng cử viên nữ.

Nhắc đến sự dạy dỗ và nuôi dưỡng nhận được từ mẹ và ông bà, ông Obama nói về nam tính và sức mạnh, và nói về tại sao cử tri nam được ứng cử viên Donald Trump thu hút. “Tôi nhận thấy rằng một bộ phận nam giới dường như nghĩ rằng hành vi bắt nạt và xem thường người khác của ông Trump là dấu hiệu của sức mạnh”, Obama nói. “Nhưng tôi ở đây để nói với quý vị rằng hành vi bắt nạt không bao giờ là sức mạnh”. “Sức mạnh thực sự là giúp đỡ những người cần giúp đỡ và bênh vực những người yếu thế. Đó là xã hội mà chúng ta mong muốn con gái và con trai chúng ta được sống. "Và đó", ông nói, “là điều tôi muốn thấy ở một tổng thống của Hoa Kỳ”.

Chỉ trích cách hành xử của ông Donald Trump

Ông Obama cũng chỉ trích người kế nhiệm “tơi tả.” Ông bày tỏ chia sẻ với những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão Helene và Milton ở vùng Đông - Nam quốc gia, và chỉ trích Trump đã tuyên truyền thông tin sai sự thật về phản ứng của chính phủ liên bang đối với bão.

“Chúng ta có những nhà lãnh đạo đang nỗ lực làm mọi thứ để khắc phục hậu quả, giúp đỡ những nạn nhân; nhưng sau đó lại có những kẻ tuyên truyền sai sự thật về điều đó để ghi điểm chính trị và điều này sẽ gây ra hậu quả”, ông Obama nói. “Đó là hành vi cố tình lừa dối người dân trong vào những thời điểm tuyệt vọng và dễ bị tổn thương nhất của họ. Liệu điều này có bình thường và tại sao chúng ta lại tỏ ra đồng tình?”.

Thông điệp kinh tế

Phần lớn bài phát biểu của Obama tập trung vào thông điệp kinh tế gửi đến những người vật lộn trong bối cảnh lạm phát cao trong vài năm qua. Ông cho biết đất nước đã trải qua nhiều điều kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, mà theo ông là “gây ra sự tàn phá” đối với các cộng đồng dân cư và các cơ sở thương mại, là nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao.

 Cựu Tổng thống Barack Obama phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tại Pittsburgh, Pensivania. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống Barack Obama phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tại Pittsburgh, Pensivania. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống cho rằng, nền kinh tế dưới thời Donald Trump sở dĩ phát triển tốt là nhờ thừa hưởng những “di sản” ông để lại. “Đó là nền kinh tế của tôi”, ông Obama thẳng thắn thừa nhận, và ông nói thêm rằng, ông đã mất 8 năm để dọn dẹp “đống rác” trước đó của Cộng hòa. Obama lưu ý, kế hoạch kinh tế của người tiền nhiệm bao gồm cắt giảm thuế “mạnh tay” cho những người giàu có mà không quan tâm đến tầng lớp trung lưu phải “trả giá” cho điều đó. Ông Trump cũng đã kêu gọi gia hạn dự luật cắt giảm thuế này, vốn được ông ký thành luật khi trong nhiệm kỳ, và dự luật này sẽ hết hạn vào năm tới.

Ông Obama cho biết, trong khi đó bà Harris tập trung vào việc giúp đỡ tầng lớp trung lưu và lao động, với chính sách tín dụng thuế 50.000 USD cho những công ty khởi nghiệp, 25.000 USD tiền cọc cho những người mua nhà lần đầu, và tiếp tục nỗ lực giảm giá thuốc kê toa.

“Tôi hiểu mọi người hiện cảm thấy thất vọng, cảm thấy chúng ta có thể làm tốt hơn”, cựu Tổng thống nói. “Nhưng tại sao mọi người lại nghĩ rằng Donald Trump sẽ thực hiện thay đổi theo cách có lợi cho quý vị. Bởi vì hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy người đàn ông này nghĩ đến bất cứ ai ngoài ông ta”, ông Obama nói tiếp.

Obama cũng nhắc đến hồ sơ pháp lý mới được Công tố viên công bố, theo đó trong vụ bạo loạn ngày 6.1, khi một trong những người thân cận nói với ông Trump về việc những người tiến hành bạo loạn đòi treo cổ Phó Tổng thống Mike Pence. “Các bạn biết Donald Trump đã nói gì không – “Thì sao?”. Ông ta không hề quan tâm đến số phận của Mike Pence, Phó Tổng thống của ông ta thì ông sẽ quan tâm đến ai chứ?!”.

Cựu Tổng thống cũng thừa nhận tình hình di dân nghiêm trọng tại biên giới Mỹ - Mexico, nói rằng quốc gia có “những vấn đề thực sự” cần được giải quyết. Ông lập luận, hệ thống di trú cần phải công bằng trong khi bảo đảm các cộng đồng biên giới không bị quá tải. Ông Obama cáo buộc người kế nhiệm không muốn giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc, chỉ trích kế hoạch của ông Trump trục xuất số lượng lớn và hàng loạt di dân bất hợp pháp. “Ông ta không có một kế hoạch thực sự, chỉ nói suông. Ông ấy có ý tưởng về kế hoạch, nhưng kế hoạch đó thì bất nhẫn và tàn ác, và nó được thiết kế để nâng cao chính trị của ông ta chứ không phải để giải quyết vấn đề”, Obama nói.

Ông cho biết Harris là "một nhà lãnh đạo đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho những người cần tiếng nói và cơ hội" và tuyên bố, "Kamala đã chuẩn bị cho công việc này tốt như bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào từng làm".

Tạo ra những "lần đầu tiên"

Với tư cách là “Tổng thống da màu đầu tiên” của nước Mỹ, sự xuất hiện của ông Obama để vận động cho bà Harris nhấn mạnh “tính chất lịch sử” của những con người tiên phong, những con người sẽ tạo ra những “lần đầu tiên”, phá bỏ rào cản, cấm kị trong xã hội. Bà Harris, vừa là phụ nữ đầu tiên, người da màu, người gốc Nam Á đầu tiên làm phó tổng thống, và bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm tổng thống nếu được bầu vào tháng tới.

Khẩu hiệu vận động tranh cử cũ của ông, “Yes, We Can” (Vâng, chúng ta có thể), thậm chí đã được ông đổi thành “Yes, She Can” (Vâng, bà ấy có thể) được chiếu trên màn hình trước đám đông.

Kết thúc bài phát biểu, ông Obama thể hiện phong độ đỉnh cao đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong Đảng Dân chủ, giọng nói của ông dần trở nên mạnh mẽ khi kêu gọi: "Đừng chỉ ngồi im và hy vọng điều tốt đẹp - hãy đứng dậy và bỏ phiếu". "Bầu cho Kamala Harris trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ", ông hô vang trong tiếng reo hò của cử tri.

Cử tri bị thuyết phục tuyệt đối

Mặc dù đã 8 năm xa rời quyền lực, nhưng vị cựu Tổng thống uy tín Barack Obama vẫn luôn là một trong những người đại diện đáng tin cậy nhất của Đảng Dân chủ có thể đứng ra thuyết phục cử tri.

Bài phát biểu của ông đã truyền đi cảm hứng mạnh mẽ. Tia Douglas, một sinh viên đại học 20 tuổi, cho biết cô chỉ mới ở độ tuổi tiểu học khi ông Obama lần đầu tiên đắc cử. Sau buổi vận động, cô chia sẻ với sự phấn khởi: "Thật tuyệt khi được nghe ông ấy phát biểu". "Lắng nghe ông ấy khiến tôi càng thêm hào hứng để tham gia bầu cử trong 26 ngày tới", Tia Douglas cười rạng rỡ.

 Sự xuất hiện của cựu Tổng thống được yêu thích Barack Obama nhận được sự đón chào nồng nhiệt của cử tri. Ảnh: AP

Sự xuất hiện của cựu Tổng thống được yêu thích Barack Obama nhận được sự đón chào nồng nhiệt của cử tri. Ảnh: AP

"Tôi thích nghe ông ấy phát biểu một cách đầy thuyết phục", nữ giáo viên về hưu Valerie Brown, 66 tuổi, chia sẻ. Bà hy vọng những lời nói của ông Obama "sẽ thúc đẩy một số người còn lưỡng lự" bỏ phiếu cho bà Harris.

Cả bà Harris và ông Trump đều đang cạnh tranh để giành được sự ủng hộ từ người Mỹ da màu. Một cuộc thăm dò gần đây từ Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng AP-NORC cho thấy khoảng 70% cử tri da đen có quan điểm ủng hộ Harris. Ngược lại, theo cuộc thăm dò, ý kiến của cử tri da màu về ông Trump phần lớn là tiêu cực, nhưng cựu tổng thống tin rằng thông điệp của ông về nền kinh tế, nhập cư và các giá trị truyền thống có thể thuyết phục nhóm cử tri da đen ủng hộ đảng Dân chủ truyền thống, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Pennsylvania là tiểu bang mà Obama đã giành chiến thắng trong cuộc đua giành chức tổng thống năm 2008 và 2012, nhưng ông Trump lại giành chiến thắng vào năm 2016. Biden đã giành chiến thắng sít sao tại đây vào năm 2020 và tiểu bang này đang trở thành một trong những tiểu bang cạnh tranh quyết liệt nhất trong cuộc đua năm nay.

Quỳnh Vũ (Theo AP, The New York Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cuu-tong-thong-obama-van-dong-cho-ba-harris-keu-goi-pha-bo-dinh-kien-ve-gioi-tinh-va-chung-toc-post392974.html