Cứu trợ người dân vùng lũ miền Trung: Có cần phải bê mì tôm tới tận nhà?

Tình hình mưa lũ tại miền Trung đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tuyến đường bị chia cắt, gây khó khăn cho công tác cứu trợ...

Nhiều tuyến đường tại miền Trung bị chìm trong nước lũ

Nhiều tuyến đường tại miền Trung bị chìm trong nước lũ

Cảnh báo các đoàn cứu trợ tự phát tại miền Trung

Theo thông báo tới sáng nay, 20/10, mưa lũ tại miền Trung đã khiến nhiều điểm trên quốc lộ 1A và hàng loạt tuyến đường tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị chia cắt.

Dự báo thời tiết từ nay đến ngày 21/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; ở khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Trong tình hình trên, rất nhiều nhóm cứu trợ đã nhận được cảnh báo từ chính quyền địa phương là nên quay đầu trở về tránh gặp nguy hiểm vì một số nơi nước lũ đang dâng lên rất nhanh….

Trước đó thông tin về một người đàn ông tại Thừa Thiên-Huế bị lật thuyền tử vong khi trên đường mang quà cứu trợ tới vùng lũ khiến dư luận thêm xót xa. Qua đó, nhiều người cũng đặt câu hỏi, làm thế nào để giúp người dân vùng lũ miền Trung được hiệu quả?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Đ.P (Hà Nội) từng có kinh nghiệm làm thiện nguyện gần 30 năm qua, cho hay những người có tâm, muốn giúp đỡ đồng bào miền Trung lúc này nên qua các kênh, hệ thống tổ chức nhân đạo chính thống, chuyên nghiệp vừa có vai trò kết nối, lan tỏa lại có khả năng điều phối hàng cứu trợ kịp thời.

“Tình hình miền Trung đang vô cùng khó khăn. Chúng tôi hết sức lưu ý các đoàn cứu trợ nhân đạo, nếu bạn không có chuyên môn, vui lòng không dồn dập đến các vùng nguy hiểm làm khó thêm các lực lượng cứu hộ và cán bộ đang làm nhiệm vụ trong khu vực.

Nếu bạn gửi phương tiện, đồ dùng, thực phẩm cứu trợ, xin hãy gửi cho các đoàn lớn, đã có kết nối từ trước. Hoặc gửi cho chính quyền để họ đưa đến đúng nơi cần”.

Tương tự, từng tham gia nhiều đoàn thiện nguyện, bạn T.P (Bắc Giang) chia sẻ: “Mấy hôm nay thấy miền Trung tang thương, mình cũng như rất nhiều người đã luôn suy nghĩ làm cách nào tốt cho miền Trung? Nhiều khi bão qua, dân ko cần ăn mì tôm, không cần gạo cứu đói nữa thì các đoàn mới mang đến. Người dân đi nhận miễn cưỡng. Nhiều nơi không văn minh, còn xảy ra chuyện cãi cọ vì chia hàng từ thiện. Đi từ thiện kiểu ấy về, buồn đau hơn...

Từ đó mình nhận thấy, nếu thác gửi cho từ thiện, người gửi cần biết bao giờ tiền đi, hàng đi đến nơi cứu trợ. Nếu thác gửi được cho người, hay đoàn có tâm - đi luôn, đi ngay thì nên. Còn không nên chọn cách chờ lũ xong, xem đoàn nào xây nhà chống lũ, tặng con giống vật nuôi thì đóng góp, cho tặng thì hơn…”

Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên được vận chuyển bằng hàng không miễn phí đã hạ cánh tại Huế chiều nay, 20/10

Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên được vận chuyển bằng hàng không miễn phí đã hạ cánh tại Huế chiều nay, 20/10

Người dân vùng lũ cần gì?

Theo chị P. ai cũng biết từ thiện tự phát là từ tâm, tuy nhiên thực tế có nhiều vấn đề nhạy cảm nảy sinh, thậm chí rủi ro tới tính mạng.

“Thiên tai ập đến, nhiều địa bàn trở nên khu vực nguy hiểm, do đó, các đoàn đi từ thiện phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tránh việc người khác phải lo cho mình. Nhiều địa điểm nguy hiểm, tổ chức đi như thế nào, tới đâu cho hợp lý phải tuân theo hướng dẫn của địa phương, không phải cứ muốn đi là đi, cũng đâu cứ phải bê quà tới tận nhà…”, chị P. nói và cho hay: “Có lần khi đi cứu lụt tại Hương Khê, Hà Tĩnh, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn từ thiện tự phát không thông qua chính quyền địa phương. Khi xe hàng cứu trợ tới nơi đành đứng im một chỗ cả ngày chờ người dân đi qua…Cũng có chỗ vừa phát phong bì trong nhà văn hóa thì ra tới cổng lại có người đứng sẵn xin thu lại. Khi được hòi lý do thì họ nói thu lại để chia ra cho những người chưa đến được…”

Nói về nhu cầu của người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, chị P. chia sẻ: “Thiên tai ập tới, người dân cái gì cũng thiếu từ quần áo, thuốc men, lương khô, rau xanh... tới đèn pin, bật lửa chứ không chỉ mỗi mì tôm. Nhớ có lần đi cứu trợ tại Sơn La sau khi lũ quét, đoàn chúng tôi vận động hơn nghìn thùng mì tôm. Tuy nhiên, khi tới nơi mới thấy cảnh mì tôm chồng chất mì tôm tại các nhà văn hóa, trường học, thậm chí chất ra cả ven đường... Lại có những nơi ồ ạt các đoàn tới cứu trợ trong khi nhiều điểm khác cũng thiệt hại nhưng không được đưa tin lên đài báo thì lại chẳng thấy ai…”

Với tâm nguyện của mình, chị P trăn trở: “Thiên tai dù sao cũng đã xảy ra, sau thiên tai giúp dân như thế nào mới là vấn đề quan trọng, cần tháo gỡ".

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuu-tro-nguoi-dan-vung-lu-mien-trung-co-can-phai-be-mi-tom-toi-tan-nha-d483214.html