Cứu trợ sao cho an toàn, hiệu quả?

Cả nước đồng lòng hướng về miền Bắc, nơi đang chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai. Bên cạnh những hoạt động quyên góp trực tiếp tại địa phương, không ít đoàn cứu trợ tự phát đã lên đường đến các vùng ảnh hưởng để giúp đỡ đồng bào

* Phóng viên: Thưa ông, sau khi bão tan, các tỉnh, thành tại khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng rất nặng nề. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai những hoạt động gì để giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trước mắt?

- Ông TRẦN SỸ PHA, Trưởng Ban Công tác xã hội và Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Thời gian qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và vận động nguồn lực để kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng. Chúng tôi đã ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp, kích hoạt lực lượng ứng phó thiên tai, thảm họa từ cấp trung ương đến cấp cơ sở; triển khai ngay việc đánh giá thiệt hại và nhu cầu của từng địa phương để tính toán nhu cầu hỗ trợ từng địa phương khu vực.

Ông TRẦN SỸ PHA

Ông TRẦN SỸ PHA

Hội đã triển khai các hội cứu trợ khẩn cấp phối hợp với lãnh đạo các bộ, ngành triển khai cứu trợ với giá trị hàng và tiền hỗ trợ cho người dân đến thời điểm này là hơn 8,1 tỉ đồng. Tổng số đã có gần 8.300 hộ, với gần 33.000 người được hỗ trợ tại 15 tỉnh/thành phố. Theo đó, cấp phát nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân, thuốc thông thường, thùng hàng gia đình; tiền mặt và một số mặt hàng mà bà con vùng lũ có nhu cầu; túi cứu trợ khẩn cấp, cung cấp nước sạch và truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch vệ sinh, phòng chống dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp…

Hội cũng triển khai các hoạt động truyền thông kết hợp vận động gây quỹ trên các nền tảng, ứng dụng xã hội. Đây là hoạt động rất quan trọng của hội để có thể kịp thời huy động, vận động nguồn lực, các tổ chức, cá nhân để có thể có thêm nguồn lực hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Chúng tôi đã làm việc với Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế về khả năng hỗ trợ dự án cứu trợ khẩn cấp với trị giá 900.000 CHF (tương đương 26 tỉ đồng).

* Tác động của cơn bão số 3 cũng như hoàn lưu lũ khiến các tỉnh phía Bắc đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, việc cứu trợ này cần thực hiện sao cho thật sự hiệu quả?

- Hiện mực nước tại một số địa phương đã rút, khả năng tiếp cận với hiện trường, tiếp cận với người dân đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các đoàn công tác cứu trợ còn gặp khó khăn trong việc di chuyển tới các địa phương cần được trợ giúp.

Đại diện Báo Người Lao Động trao hỗ trợ cho các gia đình có người thân bị thiệt mạng do sạt lở đất ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: MINH CHIẾN

Đại diện Báo Người Lao Động trao hỗ trợ cho các gia đình có người thân bị thiệt mạng do sạt lở đất ở xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: MINH CHIẾN

Các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là MTTQ các cấp, Hội Chữ thập đỏ. Đặc biệt, Hội Chữ thập đỏ luôn cập nhật các số liệu thống kê về tình hình thiệt hại, nhất là nhu cầu nhân đạo dân sinh cấp bách từ các địa phương bị ảnh hưởng. Đồng thời, các tình nguyện viên của Hội đều được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc tiếp cận hiện trường, cũng như có những kiến thức, kinh nghiệm hỗ trợ những người dân khi bị tác động bởi thiên tai.

Lực lượng trực tiếp đi cứu trợ cần những người có sức khỏe tốt, bơi tốt, có khả năng lái xe, lái thuyền xuồng hoặc ca nô, có chuyên môn y tế thì càng tốt, người có kỹ năng điều phối có mạng lưới hỗ trợ và có thể kết nối nguồn lực. Cần bảo đảm tính kết nối giữa các thành viên trong đoàn cứu trợ và với những người dân địa phương để bảo đảm an toàn cho chính mình cũng như an toàn cho người được cứu trợ.

* Những ngày qua rất nhiều hàng cứu trợ đã được chuyển đến người dân vùng bão lũ. Vậy nhu cầu của người dân các địa phương đang bị tác động bởi lũ là những mặt hàng nào, thưa ông?

- Chúng tôi luôn xác định phải cung cấp khẩn cấp cho người dân những mặt hàng thiết yếu mà người dân đang cần chứ không phải những gì chúng ta có. Theo đánh giá, nhu cầu tại thời điểm này của các địa phương đang bị tác động bởi lũ không phải là mì ăn liền hay gạo.

Các hàng hóa đang rất cần trong giai đoan này có thể chia làm 3 nhóm rất cơ bản: Nhóm 1: Nhu yếu phẩm (cơm cháy, bánh yến mạch, xúc xích, bánh gạo, sữa). Nhóm 2: Vật dụng vệ sinh cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu, xà phòng, khăn mặt. Khăn kháng khuẩn, dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh phụ nữ. Nhóm 3: Đồ dùng cá nhân: đèn pin, pin, áo mưa, ủng, pin dự phòng, bếp cồn; thuốc không bán theo đơn như: dầu gió, thuốc nhỏ mắt. Hàng cứu trợ nên đóng gói vào thùng carton, bên ngoài phải bọc ni-lông kín để bảo đảm an toàn. Tiền mặt cũng là một trong những hình thức hiệu quả khi cứu trợ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thị trường chưa hoạt động trở lại nên tiền mặt chưa thể giải quyết được nhu cầu thiếu yếu cho người dân.

Trong vài ngày tới, nước rút, người dân rất cần các vật dụng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa như: chổi tre, xẻng… và đặc biệt cần các loại khử khuẩn làm sạch nước, làm sạch môi trường, dụng cụ chứa nước. Các đoàn cứu trợ cần xác định được nhu cầu của từng cộng đồng và tại mỗi thời điểm, nhu cầu khác nhau. Hiện nay, Hội chữ Thập đỏ Việt Nam có hệ thống 4 cấp, các tỉnh đều có đội ứng phó thảm họa luôn cập nhật thường xuyên về thiệt hại và nhu cầu hằng ngày của người dân.

Ông TRẦN SỸ PHA, Trưởng Ban Công tác xã hội và Quản lý thảm họa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động

* Với các khoản hỗ trợ ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, có nên công khai sao kê để bảo đảm tính minh bạch, thưa ông?

- Hội Chữ thập đỏ có nhiều chương trình, phát động nhiều kênh để vận động nguồn lực, huy động cộng đồng trong nước và quốc tế chung tay chia sẻ những khó khăn với đồng bào bị thiên tai. Chúng tôi luôn đề cao tính giải trình, minh bạch. Đây là nguyên tắc làm việc của Hội.

Với những nguồn lực vận động, chúng tôi đều có kế hoạch giải ngân công khai, minh bạch triển khai đến các địa phương. Luôn thông tin với nhà tài trợ và mời họ cùng đồng hành trong việc triển khai các hoạt động được hỗ trợ. Chúng tôi luôn công khai kết quả mọi hoạt động, nguồn tiền trên kênh thông tin của Hội để mọi người biết số tiền đã đến tay người dân thế nào. Bên cạnh đó, Hội luôn được cơ quan kiểm toán trong nước kiểm toán các nguồn thu - chi hằng năm.

Cần tuân thủ quy định và phối hợp chặt chẽ

Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP HCM, nhấn mạnh quá trình cứu trợ cần tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị định 93 của Chính phủ, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương.

Một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm an toàn trong công tác cứu trợ là sự điều phối của ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn tại địa phương. Công an và quân đội thường là những lực lượng chủ lực, có đủ phương tiện, kỹ năng và điều kiện để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả. Theo ông Sơn, thông tin từ các địa phương rất quan trọng. Việc nắm được các đầu mối tiếp nhận tại các cấp ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ giúp cho công tác cứu trợ diễn ra thuận lợi hơn. Những tổ chức này không chỉ đóng vai trò là nơi tiếp nhận hỗ trợ mà còn bảo đảm hàng hóa được phân phối đúng đối tượng và kịp thời. "Trước khi triển khai cứu trợ, các tổ chức cần tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực và điều kiện địa lý, đồng thời liên hệ với các tổ chức địa phương để tránh tình trạng cứu trợ không hiệu quả. Cứu trợ không chỉ dừng lại ở các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn đầu, mà cần có kế hoạch dài hạn, với các đợt hỗ trợ tiếp theo để giúp người dân phục hồi sau thiên tai" - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Thiện, Trưởng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc các đoàn cứu trợ tự phát đi trao quà cứu trợ sẽ đối mặt với rất nhiều nguy hiểm như: Không thông thạo địa bàn; không nắm được đúng đối tượng và nhu cầu cần được hỗ trợ; các trường hợp nằm sâu bên trong hoặc trên rẻo cao, đoàn cứu trợ tự phát không thể đến thì gặp thiệt thòi. Những năm gần đây, các quy định của pháp luật liên quan đến công tác cứu trợ được quy định ngày càng hoàn thiện. Do đó, các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện nên thông qua các tổ chức chính danh để chung tay giúp đỡ cho đồng bào gặp hoạn nạn.

H.Yến - L.Vĩnh

Ngọc Dung thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-tro-sao-cho-an-toan-hieu-qua-19624091322110958.htm