Cựu trưởng công an phường chối tội
Ngày 28/8, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án 13 cựu cán bộ công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú nhận tiền thả người.
Cựu trưởng công an phường, 2 phó trưởng công an phường và 10 cảnh sát khu vực bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 346 Bộ luật Hình sự.
Cáo buộc nhận tiền - thả người
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2018 đến tháng 4/2020, Ban Chỉ huy Công an phường Phú Thọ Hòa gồm Phạm Thanh Tuấn, Phan Văn Hòa, Lê Văn Quý thành lập 2 tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức tuần tra trên địa bàn để phát hiện và bắt giữ các đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trong khoảng thời gian trên, những bị cáo đã đưa về trụ sở công an phường 51 đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng không thụ lý, không lập hồ sơ, không thu giữ niêm phong vật chứng theo quy định. Sau đó, thay vì lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật, các cựu cán bộ Công an phường Phú Thọ Hòa đã yêu cầu các đối tượng gọi điện thoại cho người thân mang tiền và vàng đến nộp để được tha về.
Trong đó, 29/51 đối tượng thừa nhận bị bắt giữ về trụ sở Công an phường Phú Thọ Hòa và phải gọi người nhà mang tiền đến nộp thì mới được thả.
Khi người nhà của các đối tượng mang tiền đến, họ được các cựu cảnh sát khu vực hướng dẫn để tiền lên trên bể nước bồn cầu trong nhà vệ sinh của trụ sở công an phường.
Kết quả điều tra của Công an TPHCM và tài liệu điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, tổng số tiền người nhà của các đối tượng phải nộp cho các cựu cán bộ Công an phường Phú Thọ Hòa là gần 1,1 tỉ đồng, 2 chỉ vàng và 100 USD. Sau khi nộp tiền, các đối tượng bị bắt giữ đã được thả về nhà.
Loanh quanh chối tội
Theo cáo trạng, tuy các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ lời khai của 29 đối tượng bị bắt giữ, gia đình các đối tượng này và những người liên quan, đủ cơ sở xác định các bị cáo trong vụ án đã nhận lợi ích vật chất để tha cho các đối tượng không bị xử lý theo quy định pháp luật.
Cáo trạng xác định bị cáo Phạm Thanh Tuấn - cựu Trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú là người có vai trò cao nhất, đã chủ trương thành lập 2 tổ công tác tuần tra bắt giữ đối tượng liên quan đến ma túy. Thay vì lập hồ sơ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, Tuấn đã chỉ đạo tổ công tác nhận tiền, vàng và đô la Mỹ để tha cho các đối tượng.
Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Phạm Thanh Tuấn chỉ thừa nhận thiếu kiểm tra, giám sát; có biết cảnh sát khu vực đòi tiền để thả người, nhưng không chỉ đạo nhận tiền, thả người.
Bị cáo Tuấn khai, trong thời điểm xảy ra vụ việc bị cáo đang đi học chính trị, chỉ biết một số cán bộ công an ghi lời khai của người vi phạm, hỏi trực ban thì mới hay là ghi để răn đe. Bị cáo Tuấn chỉ thừa nhận thiếu kiểm tra giám sát nên để cấp dưới thực hiện hành vi như cáo trạng đã nêu.
Trong khi đó, tại phiên xét xử, hai Phó Trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú là Phan Văn Hòa và Lê Văn Quý đều khai việc thành lập 2 tổ công tác tuần tra tội phạm đều là chủ trương của Phạm Thanh Tuấn. Cả hai đều bị cô lập, vô hiệu hóa vai trò ở công an phường.
Bị cáo Lê Văn Quý khai, dù phụ trách trực tiếp cảnh sát khu vực nhưng không có quyền hành gì với 2 tổ công tác tuần tra tội phạm; kể cả trong ngày trực chỉ huy. Thành viên 2 tổ công tác báo cáo thẳng với Phạm Thanh Tuấn.
Còn bị cáo Phan Văn Hòa khai, được giao phụ trách cảnh sát phòng chống tội phạm nên khi thấy thành viên 2 tổ công tác chống tội phạm đều là cảnh sát khu vực và không xử lý các đối tượng liên quan đến ma túy, bị cáo đã nhiều lần có ý kiến nhưng Phạm Thanh Tuấn không trả lời.
“Bị cáo không được chia tiền, vàng trong vụ này, cũng không có động cơ, mục đích gì. Để cho sự việc diễn ra là do cả nể trưởng công an phường, thiếu quyết liệt và không quan tâm chỉ đạo sâu sát cấp dưới”, Phan Văn Hòa khai.
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử về việc tại sao các bị cáo khác trong vụ án đã khai Tuấn là người chỉ đạo lập 2 tổ công tác tuần tra, chuyên bắt giữ người liên quan đến tàng trữ, sử dụng, mua bán ma túy, bị cáo Tuấn cho rằng: “Hai cấp phó Phan Văn Hòa và Lê Văn Quý nói không đúng sự thật. Do họ tự nghĩ ra chứ bị cáo không chỉ đạo thành lập 2 tổ tuần tra. Bị cáo chỉ ban hành quyết định thành lập 2 ca trực, mỗi ca trực 15 - 16 chiến sĩ. Bị cáo cũng không chỉ đạo tha người vi phạm để nhận tiền”.
Tại tòa, các bị cáo là cựu cảnh sát khu vực thừa nhận hành vi thực hiện thả người theo chỉ đạo từ ban chỉ huy công an phường mà không lập hồ sơ xử lý người vi phạm; ghi lời khai một số đối tượng và sau đó bàn giao cho trực ban...
Cáo trạng xác định Phạm Thanh Tuấn với vai trò chủ mưu phải chịu trách nhiệm cao nhất về toàn bộ sai phạm.
Các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là người thực hành giúp sức tích cực cho Phạm Thanh Tuấn. Trong quá trình điều tra, một số bị cáo như Phan Văn Hòa, Lê Văn Quý, Lê Đình Vũ và Đỗ Hà Danh thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
“Cáo trạng xác định hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan pháp luật, làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của lực lượng công an nhân dân; làm giảm niềm tin của người dân đối với lực lượng công an; ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm với động cơ vụ lợi. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện bằng việc chia tổ, chia ca, phân công nhiệm vụ từng người. Hành vi phạm tội diễn ra liên tiếp nhiều lần, trong một thời gian dài với phương thức, thủ đoạn tương tự nhau”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuu-truong-cong-an-phuong-choi-toi-post652303.html