Cyprus ngừng chương trình 'Hộ chiếu vàng'
Cộng hòa Cyprus (Síp) đã thông báo đình chỉ kế hoạch 'hộ chiếu vàng' đổi đầu tư lấy quyền công dân, vốn đang gây tranh cãi, nhất là sau loạt điều tra của đài Al Jazeera trong năm nay.
Bộ Nội vụ và Tài chính Cyprus cho biết trong một tuyên bố đăng trên Twitter bằng tiếng Hy Lạp rằng chương trình đầu tư thông qua hình thức hiện tại sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/11.
“Đề xuất trên căn cứ việc tồn tại những điểm yếu nhưng cũng dựa trên việc quá trình thực thi có sự lạm dụng các quy định của chương trình,” tuyên bố hôm thứ Ba – 13/10 cho biết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Cyprus George Savvidis cho biết, nước này có thể mở một cuộc điều tra về các tội hình sự có thể xảy ra. “Những gì đã được mạng lưới tin tức Al Jazeera đăng tải trong vài giờ qua đang gây ra sự phẫn nộ, tức giận và lo ngại trong dân chúng,” tuyên bố của ông viết.
Hôm 12/10, Al Jazeera đã phát đi một tài liệu cho thấy người phát ngôn Quốc hội Cyprus là Demetris Syllouris và một thành viên Quốc hội là Christakis Giovanis (còn được gọi là Giovani) sẵn sàng tiếp tay cho những tội phạm bị kết án có được hộ chiếu thông qua Chương trình Đầu tư Quốc tịch (CIP). Sau thông báo hôm thứ Ba của chính phủ Cyprus, Syllouris cho biết ông sẽ thoái nhiệm kể từ ngày 19/10 cho đến khi các cuộc điều tra của chính phủ hoàn tất.
Tài liệu trên là “giọt nước tràn ly” sau khi chỉ vài tuần trước đó, Al Jazeera đã công bố loạt bài điều tra “Hồ sơ Cyprus” (The Cyprus Papers) - một kho lưu trữ gần 1.400 tài liệu cho thấy Cyprus đã cấp hộ chiếu cho những tên tội phạm bị kết án ở nước họ và những người bị Interpol truy nã trong những năm trước.
Theo Chương trình Đầu tư Quốc tịch (CIP), bất kỳ ai có đủ khả năng đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la vào nền kinh tế Cyprus, thường là thông qua bất động sản, đều có thể nhận được hộ chiếu nước này, cho phép người đó có quyền như một công dân EU.
Chương trình này thường xuyên bị Liên minh Châu Âu và các tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng chỉ trích, cho rằng chương trình này làm tăng nguy cơ rửa tiền thông qua các tổ chức tài chính của Châu Âu.
Sau thông tin Al Jazeera tiết lộ hôm thứ Hai, Ủy ban châu Âu cho biết, các giá trị châu Âu không phải để bán. “Ủy ban đã thường xuyên nêu lên những quan ngại nghiêm trọng của mình về các chương trình quốc tịch của nhà đầu tư. Ủy ban hiện đang xem xét việc tuân thủ luật của Liên minh Châu Âu của chương trình nói trên và các vi phạm nếu có” – thông báo của Ủy ban châu Âu cho biết.
Trước đó, nhóm điều tra của Đài Al Jazeera (Qatar), cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, công bố Hồ sơ đảo Cyprus (The Cyprus Papers). Theo đó, trong vòng 3 năm 2017-2019, đã có gần 2.500 cá nhân từ 70 quốc gia có được cấp quyền công dân của Cyprus thông qua hình thức đầu tư định cư, trong đó có gần 1.400 hồ sơ cho thấy chính quyền Cyprus đã cấp hộ chiếu công dân cho tội phạm, những người bị Interpol truy nã trong những năm trước đó.
Sau đó, Cyprus đã bảo vệ chương trình của mình. Mặc dù thừa nhận những sai lầm trong những năm gần đây, nhưng nước này cho biết việc thắt chặt luật pháp và kiểm tra lý lịch của người nộp đơn là đủ để ngăn chặn tội phạm lấy hộ chiếu.
Tuy nhiên, trong một cuộc kiểm toán nội bộ được công bố vào cuối tháng 9/2020, văn phòng kiểm toán nước này đã phát hiện ra một số điểm yếu trong kế hoạch này. Ít nhất 23 đơn đã được Bộ trưởng Nội vụ thông qua nhanh chóng, trong khi những cá nhân có vấn đề có thể xin cấp hộ chiếu dễ dàng thông qua đơn xin nhập quốc tịch của các thành viên gia đình họ.
Theo tài liệu do Đài Al Jareeza có được, đơn xin quốc tịch của hai người Việt Nam là bà Nguyễn Phan Diệu Phương cùng chồng là đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đã được Bộ Nội vụ Cộng hòa Cyprus thông qua ngày 12/12/2018. Liên quan đến vụ việc này, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi đại biểu Quốc hội, thôi chức vụ tổng giám đốc Công ty Tân Thuận và tiến hành giải trình. Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu với ông Phạm Phú Quốc sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây.