Czech: Các trường đại học kêu gọi gỡ cài đặt TikTok để đảm bảo an ninh
Biểu tượng mạng xã hội TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN
* TikTok đối mặt với sức ép pháp lý về vấn đề trẻ em tại Bồ Đào Nha
Các trường đại học tại Cộng hòa Czech đang kêu gọi đội ngũ giảng viên, nhân viên và sinh viên gỡ cài đặt ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trên các thiết bị dùng để kết nối với mạng của nhà trường.
Lời kêu gọi này được đưa ra dựa trên khuyến cáo của Cơ quan An ninh mạng và Thông tin Quốc gia Cộng hòa Czech (NUKIB) về việc TikTok gây ra những mối đe dọa về an ninh.
Theo phóng viên TTXVN tại Prague, Đại học Tổng hợp Charles, đại học lớn, lâu đời và nổi tiếng nhất của Cộng hòa Czech đã kêu gọi nhân viên của mình gỡ ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị làm việc có kết nối với mạng Internet của nhà trường. Đây cũng là biện pháp đang được nhiều trường khác triển khai.
Đại học Kinh tế Praha thậm chí còn chặt chẽ hơn khi cấm tất cả quản trị viên và cán bộ cấp cao của nhà trường sử dụng TikTok trên các thiết bị điện tử phục vụ công việc.
Đại học Công nghệ Brno cũng cấm nhân viên sử dụng ứng dụng mạng xã hội này trên các thiết bị của nhà trường.
Bên cạnh kêu gọi sinh viên gỡ cài đặt TikTok khỏi máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động và máy tính bảng, một số trường khác như Đại học Mendel tại Brno còn gửi tới đội ngũ nhân viên và sinh viên khuyến nghị giải thích rõ việc TikTok khi được cài đặt sẽ tự động thu thập dữ liệu từ lịch sử cuộc gọi, vị trí và cả danh bạ trên các thiết bị điện tử.
Nhiều đại học tại Cộng hòa Czech lâu nay vẫn thường sử dụng tài khoản TikTok để tự quảng cáo, tuy nhiên sau khuyến cáo của NUKIB, các trường như Đại học Masaryk hay Đại học Pardubice hiện đang phải dần hủy tài khoản TikTok của mình.
Hôm 8/3 vừa qua, NUKIB đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất an ninh mạng tại Cộng hòa Czech do việc cài đặt và sử dụng ứng dụng mạng xã hội TikTok của Trung Quốc.
Theo cơ quan này, TikTok thu thập hàng loạt thông tin về người dùng và không rõ ai là người có quyền truy cập các dữ liệu đó.
Trên cơ sở cảnh báo này, các cơ quan chính phủ tại Cộng hòa Czech đã đi tiên phong trong việc cấm nhân viên sử dụng ứng dụng TikTok trên những thiết bị điện tử dùng để làm việc.
* Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Ius Omnibus có trụ sở tại Bồ Đào Nha kiện ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok với cáo buộc cho phép trẻ em dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản mà không có sự đồng ý của cha mẹ, và không thực hiện biện pháp bảo vệ trẻ.
Trong một tuyên bố, tổ chức Ius Omnibus nhấn mạnh TikTok đã lợi dụng “tính chất dễ bị tổn thương” đặc biệt của trẻ để kiếm lợi nhuận từ trẻ em dưới 13 tuổi.
Dù TikTok có giới hạn độ tuổi, song ứng dụng này không thực hiện các biện pháp ngăn những người dùng dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản.
Ius Omnibus cũng cho rằng việc TikTok thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em là vi phạm hiến pháp Bồ Đào Nha, quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu và luật về các hành vi thương mại không công bằng.
Theo đó, tổ chức này đề nghị một tòa án tại thủ đô Lisbon can thiệp để TikTok chấm dứt các hành động trái phép, đồng thời bồi thường cho những người bị ảnh hưởng.
Trong một vụ kiện riêng rẽ, tổ chức Ius Omnibus cho biết người dùng trên 13 tuổi cũng là nạn nhân của các hoạt động kinh doanh trái phép và dữ liệu cá nhân được sử dụng mà không có sự chấp thuận hoàn toàn của người dùng.
Theo Ius Omnibus, điều này khiến trẻ em gặp phải mối nguy hại về đạo đức, tâm lý và thể chất, cũng như đe dọa đến sự an toàn và sức khỏe, cũng như cuộc sống riêng tư của trẻ và gia đình. Công ty TikTok chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, đại diện TikTok nhấn mạnh rằng công ty coi việc bảo vệ người dùng và dữ liệu của người dùng là điều quan trọng nhất.
Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Văn phòng Ủy ban Thông tin (ICO) - cơ quan giám sát dữ liệu của Anh - thông báo đã phạt TikTok 12,7 triệu bảng Anh (15,9 triệu USD) vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu, trong đó có việc sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ.
Gần đây, chính phủ các nước Úc, Mỹ, Pháp và nhiều nước phương Tây khác đã ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), trên các thiết bị công vụ do lo ngại về rủi ro đối với an ninh quốc gia.