Czech: Thủ tướng Babis xác nhận từ chức; quốc gia Trung Âu sắp trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử?

Theo Hãng thông tấn Czech (ČTK), ngày 10/11, sau cuộc họp chính phủ, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Andrej Babiš (ANO) tuyên bố sẽ trao đơn từ chức cho Tổng thống Miloš Zeman sau cuộc họp khai mạc của Hạ viện ngày 11/11.

Ông Petr Fiala, lãnh đạo của liên minh Together và PirSTAN, người được trao quyền thành lập chính phủ mới ở Czech. (Nguồn: Czech Radio)

Ông Petr Fiala, lãnh đạo của liên minh Together và PirSTAN, người được trao quyền thành lập chính phủ mới ở Czech. (Nguồn: Czech Radio)

Các nghị sĩ sẽ bầu ban lãnh đạo Hạ viện và nếu đạt được đồng thuận, cuộc họp có thể kết thúc trong hôm nay.

Thủ tướng Babis đang lên kế hoạch cho một cuộc họp nội các khác vào ngày 12/11 tới, trong đó các bộ trưởng sẽ thảo luận về các biện pháp chống dịch. Như vậy, lần đầu tiên sau cuộc bầu cử tháng 10 vừa qua, chính phủ của liên minh cầm quyền giữa phong trào ANO và ČSSD sẽ từ chức.

Ngày 9/11, Tổng thống Milos Zeman, đang điều trị tại Bệnh viện Quân đội Trung ương kể từ ngày 10/10, đã chỉ định ông Petr Fiala, lãnh đạo của liên minh Together và PirSTAN, đứng ra đàm phán thành lập nội các mới.

Trước đó, ngày 8/11, các nhà lãnh đạo liên minh đã ký một thỏa thuận về nhiệm kỳ của chính phủ và một chương trình chung. Ông Fiala dự kiến chính phủ của ông có thể tiếp quản nhiệm vụ vào dịp lễ Giáng sinh tới.

Trong khi đó, Đài phát thanh quốc tế Prague dẫn lời ông Fiala cho rằng, chính phủ sắp tới của Czech sẽ phải trải qua giai đoạn sóng gió với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, gồm vấn đề đại dịch Covid-19, giá năng lượng và lạm phát tăng cao.

Người được cho là sẽ trở thành Thủ tướng Czech tương lai đồng thời nhấn mạnh, đây là những vấn đề cấp bách tác động lớn tới cuộc sống của người dân cần được giải quyết ngay.

Theo ông, các đảng tham gia liên minh cầm quyền sắp tới sẽ phải gác lại những khác biệt về các vấn đề chính trị và kinh tế để tập trung giải quyết vấn đề dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lạm phát và giá năng lượng gia tăng.

Bên cạnh đó, Czech cũng cần đánh giá tác động từ chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế với mục tiêu giảm thâm hụt tài chính công, xem xét mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% vào năm 2025 và tiến hành cải cách lương hưu song không tăng thuế.

Mặc dù chiếm đa số tại Hạ viện, song liên minh cầm quyền sẽ không dễ dàng có thể giải quyết những vấn đề trên, nhất là do các đảng thành viên muốn giữ cam kết với cử tri.

Về chính sách đối ngoại, ông Fiala cho hay, liên minh cam kết khôi phục các chính sách dựa trên nền tảng nhân quyền của cố Tổng thống Vaclav Havel, ủng hộ EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rõ nét, thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Mỹ, duy trì quan hệ đối tác chiến lược truyền thống với Israel, làm sâu sắc hợp với các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong khi đó, mối quan hệ với Nga và Trung Quốc cần được xem xét lại.

Về hợp tác trong khuôn khổ Nhóm Visegrad (V4 gồm CH Czech, Slovakia, Hungary và Ba Lan), liên minh Together và PirSTAN đề cập tích cực tới cơ chế hợp tác này, song một số đảng thành viên trong liên minh không muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong V4 vì một số đối tác đang bị sức ép về vấn đề pháp quyền.

(theo Czech Radio)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/czech-thu-tuong-babis-xac-nhan-tu-chuc-quoc-gia-trung-au-sap-trai-qua-cuoc-khung-hoang-toi-te-nhat-lich-su-164542.html