Đã ai phạt được người ép uống rượu bia?
Khá nhiều ý kiến tranh luận về quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn, trong đó không ít ý kiến cho rằng quy định cấm tuyệt đối là không nên. Nhưng thiết nghĩ, ngăn 'ma men' lái xe không chỉ chờ xử phạt.
Một số người viện dẫn rằng với quy định cấm tuyệt đối, thì ngay cả những người ăn tôm hấp bia, ăn thịt bò sốt vang hay uống một số loại thuốc, ăn một số loại trái cây cũng có thể dính nồng độ cồn.
Thật ra, câu chuyện này được nhắc đến nhiều hơn khi Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, chứ quy định này đã được đề cập trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từ trước đó (cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn). Quy định trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ là kế thừa.
Hiện dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn đang được tiếp thu, chỉnh lý. Việc dự thảo có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay không hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc.
Tuy nhiên, có một vấn đề là lâu nay nhắc tới Luật Phòng chống tác hại rượu bia, dường như nhiều người chỉ nhớ và nhắc tới quy định về nồng độ cồn. Còn một loạt các hành vi bị cấm khác thường rất ít được nhắc tới. Trong khi nếu thực thi nghiêm, sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng "ma men" lái xe.
Đầu tiên, có thể kể đến là quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Thử hỏi, sau mấy năm thực thi luật, đã có ai bị xử lý về hành vi này hay chưa?
Hay như quy định cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trong nghị định hướng dẫn thi hành luật có nêu rõ cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xử phạt, mức phạt. Tuy nhiên, mấy năm qua, đã có trường hợp nào bị xử phạt chưa? Chưa hề!
Hiện nay có biết bao nhiêu điểm bán lẻ, những người bán không phân biệt trẻ em hay người lớn. Ở nông thôn, rất nhiều đứa trẻ 10-11 tuổi thường xuyên được bố mẹ sai đi mua rượu...
Rồi đối với hành vi ép người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia, xử lý thế nào thì cũng không đơn giản. Hay như quy định thấy người có dấu hiệu say rượu thì không được bán rượu cho họ nữa, vậy làm sao để chứng minh được là họ say rượu?
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Nhưng thời gian qua, số lượng cán bộ công chức, sỹ quan lực lượng vũ trang vi phạm không phải ít. Nhiều trường hợp bị phát hiện là bí thư, chủ tịch huyện, trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc…
Nhìn chung, rất nhiều quy định trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chưa thể đi vào cuộc sống. Chỉ riêng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe thì lại được triển khai rất triệt để.
Thiết nghĩ, để ngăn tình trạng "ma men" lái xe, việc xử phạt nghiêm là cần thiết. Nhưng với những quy định đã có, việc thực thi cũng cần được triển khai một cách nghiêm túc để đảm bảo hiệu lực của pháp luật. Không thể đề ra quy định rồi không ai thực hiện, cuối cùng là "hòa cả làng".