Đà bán tháo trái phiếu chính phủ toàn cầu tăng mạnh

Đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu đang tăng tốc, làm bùng lên nỗi lo về tình hình tài chính của chính phủ các nước. Đà tăng mạnh khắp thế giới

Lợi suất trái phiếu chính phủ toàn cầu nhìn chung đang tăng. Ngay đầu tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức đỉnh 14 tháng là 4,799% trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá lại tốc độ hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), theo CNBC.

Đà tăng mạnh khắp thế giới

Ở Anh, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm đang dao động quanh mức cao nhất kể từ năm 1998 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần đây vừa đạt mức cao nhất từ năm 2008. Tại Nhật Bản, quốc gia đang nỗ lực bình thường hóa chính sách tiền tệ sau khi chấm dứt môi trường lãi suất âm vào giữa năm ngoái, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 1% và chạm mức cao nhất trong 13 năm vào ngày 14/1, theo dữ liệu của LSEG.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ tăng mạnh nhất trong một tháng vào đầu tuần và đang ở gần mức cao nhất trong hai tháng là 6,846%. Tương tự, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của New Zealand và Australia cũng đang gần mức đỉnh hai tháng.

Ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc. Giá trái phiếu tại đây vẫn đi lên bất chấp việc giới chức trách tìm cách hạ nhiệt đà tăng. Giá trái phiếu diễn biến ngược chiều với lợi suất trái phiếu.

Trong tháng này, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp kỷ lục, khiến ngân hàng trung ương phải tạm dừng mua trái phiếu vào ngày 10/1.

Tác động từ nhiều yếu tố

Các chuyên gia nhận định với CNBC rằng thị trường trái phiếu chính phủ đang chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kết hợp. Thứ nhất, nhà đầu tư hiện dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất ở mức nhẹ hơn so với trước và đang yêu cầu mức chênh lệch cao hơn để bù đắp cho rủi ro đối với các trái phiếu đáo hạn trong tương lai xa vì họ lo ngại về thâm hụt ngân sách lớn của chính phủ Mỹ.

Hồi tháng 12/2024, giới chức Fed thông báo họ dự kiến chỉ hạ lãi suất hai lần trong năm 2025, giảm một nửa so với triển vọng hồi tháng 9.

Các nhà phân tích nhận định báo cáo việc làm tuần trước đã khiến lộ trình nới lỏng tiền tệ trở nên khó đoán. Báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 256.000 việc làm mới trong tháng 12, vượt con số 212.000 của tháng 11 cũng như dự báo 155.000 của Dow Jones.

Nền kinh tế Mỹ cũng đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, đồng nghĩa rằng Fed sẽ có ít hoặc không còn dư địa để giảm lãi suất. Và thị trường trái phiếu đang phản ánh viễn cảnh ấy, ông Ben Emons, người sáng lập FedWatch Advisors, nhấn mạnh.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed chỉ giảm chi phí đi vay liên ngân hàng một lần trong năm nay đã tăng lên sau báo cáo việc làm.

Chiến lược gia trưởng Steve Sosnick của Interactive Brokers bình luận: “Sau báo cáo việc làm tuần trước, chúng tôi chỉ dự đoán một đến hai đợt giảm lãi suất trong cả năm 2025”.

Ngoài ra, thâm hụt ngân sách phình to cũng đang góp phần gây ra đợt bán tháo, bởi nguồn cung trái phiếu đổ ra thị trường sẽ tăng theo thời gian.

Chính phủ Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách 129 tỷ USD vào tháng 12/2024, cao hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Tại Anh, nợ ròng của khu vực công hiện tương đương 98% GDP.

Linh Phong/CNBC

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/da-ban-thao-trai-phieu-chinh-phu-toan-cau-tang-manh-d55296.html