Chọn hướng đi độc đáo, đặc thù để hình thành trung tâm tài chính quốc tế

Việt Nam phải chọn hướng đi độc đáo, đặc thù, hấp dẫn cùng hàng loạt giải pháp về thể chế, chính sách để hình thành nên trung tâm tài chính quốc tế.

Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội thảo phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam diễn ra ở Đà Nẵng chiều 16-1.

Việt Nam là ngôi sao đang lên

Ông Andy Khoo, Giám đốc điều hành Quỹ Terne Holdings nhận định, Việt Nam là ngôi sao đang lên của ASEAN với tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6-7% và đang chuyển mình mạnh mẽ.

 Ông Andy Khoo, Giám đốc điều hành Quỹ Terne Holdings. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Andy Khoo, Giám đốc điều hành Quỹ Terne Holdings. Ảnh: TẤN VIỆT

Tầm nhìn 2045 của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trung tâm tài chính có thể đóng góp thêm 3 - 5 tỉ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam và biến tầm nhìn này thành hiện thực.

Theo ông Andy Khoo, ở ASEAN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhu cầu tài chính thương mại chưa được đáp ứng trị giá 200 tỉ USD mỗi năm. Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới, tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch.

“Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu”, ông Andy Khoo nhấn mạnh.

Theo ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia - Viện Tony Blair tại Việt Nam, nền tảng thiết yếu để một trung tâm tài chính thành công là ở thiết kế thể chế, để không chỉ là tạo không gian, địa điểm kinh doanh; mà còn là thiết lập một hệ thống đáng tin cậy, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Chính phủ cần thành lập các cơ quan quản lý trung tâm tài chính tự chủ tại cả TP.HCM và Đà Nẵng; độc lập về mặt pháp lý, tài chính và hoạt động để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng.

 Lễ trao các Biên bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Lễ trao các Biên bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Về các ưu đãi trong trung tâm tài chính, ông Rich McClellan gợi ý, theo khuôn khổ thuế tối thiểu toàn cầu, hiệu quả của các cơ chế ưu đãi dựa trên thuế có thể giảm dần trong tương lai.

Điều này đòi hỏi TP.HCM và Đà Nẵng phải thay đổi cách tiếp cận bằng cách kết hợp các cơ chế ưu đãi phi thuế để thay thế. Ví dụ, cơ chế ưu đãi dựa trên chi phí như hỗ trợ tài chính hoặc trợ cấp chi phí hoạt động có thể giúp giảm rào cản gia nhập cho nhà đầu tư.

“Khái niệm trung tâm tài chính quốc tế hay khu vực chỉ là tương đối, không phân biệt cao thấp giữa trung tâm tài chính tại TP.HCM hay Đà Nẵng. Đây là hai trung tâm tài chính độc lập và tương tác với nhau chứ không phải hiểu theo kiểu lớn nhỏ hay là chi nhánh của nhau”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

Học cách đứng trên vai người khổng lồ

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình lý giải vì sao Trung ương chọn Đà Nẵng và TP.HCM để thành lập trung tâm tài chính. Bởi hai TP này hội tụ đầy đủ những yếu tố hiện tại và tiềm năng trong tương lai cho việc hình thành trung tâm tài chính.

Theo Phó Thủ tướng, trung tâm tài chính là một bước đi mang tầm chiến lược. Khó nhưng vẫn phải đi, không đi không thể đến đích, có thể có những vấp váp nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin rằng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, cộng đồng quốc tế thì chắc chắn sẽ vượt qua.

“Phải học cách đứng trên vai người khổng lồ. Học quốc tế là tìm người khổng lồ để có thể đứng trên vai họ, con đường làm giàu ngắn nhất là học hỏi quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TẤN VIỆT

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: TẤN VIỆT

Phó Thủ tướng đề nghị bám sát năm vấn đề trong quá trình hình thành, phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Thứ nhất là pháp luật và cơ chế chính sách ưu đãi. Ông cam kết Trung ương đang nghiên cứu những cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở minh bạch, đáng tin cậy và đạt tới đẳng cấp quốc tế.

Thứ hai là nhân lực. Các chuyên gia đều khuyến cáo là phải có hiền tài. Hai TP cần cử các đội hình chuyên gia đến học việc tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, đảm bảo đội ngũ này có thể vận hành ngay được một trung tâm tài chính.

Thứ ba là chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, môi trường sống, làm việc và một hệ sinh thái kinh tế hậu thuẫn cho trung tâm tài chính.

Thứ tư là phải lựa chọn hướng đi độc đáo, đặc thù của Việt Nam cùng các giải pháp liên quan. Hướng đi phải hấp dẫn, như các chuyên gia đã gợi ý là tài chính xanh, fintech, sở hữu trí tuệ, bảo hiểm… Thứ năm là chú trọng truyền thông lan tỏa, tăng cường kết nối với các trung tâm tài chính khác.

Theo nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, nhu cầu nhân lực trong giai đoạn đầu hình thành trung tâm tài chính quốc tế cần khoảng 500 - 700 nhân lực, chủ yếu trong các lĩnh vực như pháp lý, tài chính - ngân hàng, công nghệ tài chính, công nghệ thông tin, logistics quốc tế, ngoại thương và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Về dài hạn, nhu cầu về nguồn nhân lực tại trung tâm tài chính dự báo sẽ tăng đến vài nghìn người. Trong đó, nguồn nhân lực không chỉ yêu cầu trình độ chuyên sâu, mà còn cần thành thạo việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, thích nghi nhanh chóng trong môi trường quốc tế đa văn hóa, sở hữu tư duy sáng tạo, đột phá.

Tấn Việt

Nguồn PLO: https://plo.vn/chon-huong-di-doc-dao-dac-thu-de-hinh-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post830468.html