Đã bắt được 2 đối tượng đổ dầu thải 'đầu độc' nguồn nước sông Đà
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hòa Bình đã điều tra làm rõ và bắt khẩn cấp 2 đối tượng liên quan đến việc đổ dầu gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy nước sạch sông Đà.
Theo đó, hôm nay 18/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi Gây ô nhiễm môi trường.
Cùng ngày, VKSND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-VKS và Quyết định số 24/QĐ-VKS phê chuẩn Lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Theo lời khai ban đầu của Đại và Thám, ngày 8/10 hai đối tượng này điều khiển 1 xe ô tô tải chở khoảng 10m3 dầu thải đến địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn đổ trộm.
Trước đó, ngày 16/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội "Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.
Qua điều tra xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định điểm bị đổ trộm dầu thải là ở xóm Mon, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 5km. Dầu thải từ vị trí này tràn xuống khe suối Trầm, rồi dẫn vào hồ Đầm Bài - khu vực trữ nguồn nước cho nhà máy.
Sáng 8/10/2019, một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện váng dầu nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội; Cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Trước đó, kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của TP Hà Nội theo QCVN 01:2009/BYT xác định: Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).