Đá Cạn - 12 năm không có người sinh con thứ ba
Về khu Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ rệt về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Chạy dọc tuyến đường bê tông liên xã nối Hương Cần với Tân Minh qua khu Đá Cạn, những mái ngói đỏ tươi như tô điểm thêm gam màu trù phú trên nền xanh núi rừng. Kinh tế phát triển, hộ nghèo ngày càng giảm một phần nhờ quyết tâm giữ vững thành quả 12 năm liền khu không có người sinh con thứ ba trở lên.
Hoạt động truyền thông dân số được lồng ghép trong buổi sinh hoạt của hội viên phụ nữ tại nhà văn hóa khu, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Gần 40 năm về trước, một số đồng bào dân tộc Dao ở xã Văn Miếu (Thanh Sơn) và người dân ở huyện Ba Vì (Hà Nội) di canh di cư đến dưới chân núi Lưỡi Hái phát nương làm rẫy và định cư lấy tên là khu Đá Cạn. Với đặc thù là khu vực miền núi, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều năm về trước, giao thông khó khăn, nhận thức của người dân chưa đồng đều lại bị chi phối bởi những quan niệm, hủ tục lạc hậu, nên công tác truyền thông về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ gặp không ít khó khăn. Đồng chí Trưởng khu Triệu Thị Chuyên kiêm nhiệm luôn vai trò CTV dân số và chi hội trưởng chi hội phụ nữ đã có hơn 10 năm gắn bó với công tác dân số chia sẻ: “Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, tôi thường phối hợp vận động các đảng viên ở khu gương mẫu đi đầu trong thực hiện chính sách dân số, bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của người dân để có biện pháp, cách thức truyền thông phù hợp, trở thành những tuyên truyền viên tích cực, sẵn sàng giải thích, trả lời những thắc mắc của người dân về các nội dung liên quan đến DS- KHHGĐ. Thông qua việc ký cam kết không sinh con thứ ba trở lên và không lựa chọn giới tính thai nhi hàng năm, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong khu về KHHGĐ”. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ luôn tự ý thức về khoảng cách sinh và sinh con đúng chính sách dân số. Đơn cử như trường hợp của gia đình anh Lý Sinh Dũng có hai con gái, cam kết không sinh thêm con thứ ba để tập trung phát triển kinh tế gia đình. Anh Dũng cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ đẻ hai con thôi, con nào cũng là con không phân biệt trai, gái. Giờ chỉ tập trung lo làm ăn, kinh tế khá, có của ăn của để mới mong thế hệ con cái trưởng thành, phát triển hơn bố mẹ”.
Cán bộ dân số xã và CTV dân số khu Đá Cạn tuyên truyền về chính sách dân số cho cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ.Hoạt động truyền thông, vận động và giáo dục thay đổi hành vi ở khu Đá Cạn không của riêng ai mà từ lâu đã trở thành việc phối hợp thường xuyên giữa CTV dân số với các ban, ngành, đoàn thể. Cùng với hình thức tư vấn trực tiếp tại nhà, cộng đồng, họp nhóm tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ lồng ghép vào sinh hoạt đoàn thể ở khu đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con nhân dân. Tại các buổi khám thai định kỳ hàng tháng, cán bộ dân số cùng với CTV dân số khu thường xuyên tuyên truyền cho chị em phụ nữ trong tuổi sinh đẻ các biện pháp tránh thai phi lâm sàng, tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai xã hội hóa của Đề án 818. Phụ nữ trong khu đều tham gia đầy đủ các đợt chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ do Trung tâm Dân số - KHHGĐ tổ chức tại trạm y tế xã. Từ năm 2015 đến nay, khu có năm hộ nghèo cam kết không sinh con thứ ba theo Nghị định số 39 của Chính phủ. Chị Phùng Thị Thu Huyền- Cán bộ dân số xã Hương Cần chia sẻ: “Những năm trước, một số gia đình trong khu sinh con một bề cũng có ý định sinh thêm con thứ ba để có nếp có tẻ. Nắm bắt tình hình đó, chúng tôi đã phối hợp với CTV dân số khu và các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp đến từng gia đình để tuyên truyền, tư vấn. Nhờ đó, từ năm 2011-2019, khu đã thuyết phục, vận động thành công bảy cặp vợ chồng dừng lại ở hai con”. Đá Cạn hiện có 23 hộ với 94 nhân khẩu sinh sống quần tụ, trong đó 85% đồng bào dân tộc Dao, còn lại là dân tộc Mường. Thu nhập của bà con chủ yếu bám vào rừng với những vạt đồi trồng chuối phấn vàng và cây keo kết hợp canh tác gieo cấy lúa nước ở vùng trũng. Tuân thủ quy định thực hiện chính sách dân số cộng hưởng cùng các chính sách, chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nỗ lực vượt khó, thi đua sản xuất kinh doanh của người dân, diện mạo kinh tế - xã hội của khu ngày càng khởi sắc. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, hộ nghèo trong khu đã giảm xuống còn 11 hộ. Năm vừa qua, Đá Cạn được công nhận là khu dân cư văn hóa cấp huyện.