Đã chuẩn bị các phương án đưa công dân từ vùng dịch về nước
Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đưa ra tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/2.
Chuẩn bị các phương án đưa công dân từ vùng dịch về nước
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc diễn ra cùng ngày là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2020, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Tại phiên họp trước đó, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…
Về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức y tế Thế giới khuyến nghị. Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của Nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động… Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc"…
Về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam hiện nay Bộ trưởng cho biết, đây là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ ta và hiện ở Vũ Hán có 24 công dân, trong đó có 21 học sinh và 3 người nhà. Có 19 công dân đang muốn trở về Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất chặt chẽ, đó là có phương án đón công dân Việt Nam ở vùng dịch về nước.
Theo đó, giao các cơ quan chức năng tổ chức đón các công dân Việt Nam tại vùng dịch về nước với điều kiện chúng ta phải cách ly tập trung 14 ngày, cái này giao cho Bộ Quốc phòng, bảo đảm bố trí tất cả các điều kiện, cả về ăn uống, ngủ, nghỉ,… Chúng ta cũng sẽ bố trí sân bay tại Vân Đồn ở phía Bắc, 1 sân bay tại miền Trung, 1 sân bay tại miền Nam.
Bộ Công Thương đang hỗ trợ đắc lực
Liên quan đến việc Chính phủ đã miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, các vật phẩm phòng bệnh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “chống dịch như chống giặc”, với khẩu trang y tế, nguyên liệu sản xuất khẩu trang, nước khử trùng tương đối thiếu và khan hiếm. Bộ Tài chính dự kiến và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng trong Công văn số 92 ngày 4/2/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp các bộ trình phương án miễn thuế khẩu trang y tế nhập khẩu phòng chống dịch.
Bộ Tài chính cũng đã trao đổi với Bộ chuyên ngành có mã cụ thể khi thông quan tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang, các mã sẽ cụ thể hóa trong quyết định miễn thuế; thứ ba, miễn thuế nhập khẩu các loại nước khử trùng trong chống dịch, và hiện đang cụ thể các mã trong quyết định.
Hiện ở cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn còn 365 xe hàng đang chờ thông quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Dịch viêm đường hô hấp cấp có tác động toàn diện trên tất cả các mặt, đặc biệt là thương mại, tác động trực tiếp vào xuất nhập khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, dịch cúm do virus nCoV gây ra ảnh hưởng đến cả các thị trường ở nước thứ ba, không riêng gì tại thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, khi hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ ba nhưng nguyên liệu nhập lại nhập ở Trung Quốc. Có thể thấy, dịch bệnh này ảnh hưởng đến tất cả các mặt từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và kể cả thương mại nội địa.
Về phía Bộ Công Thương đã có Chỉ thị từ ngày 31/1 về tăng cường các giải pháp để đối phó với dịch bệnh, giao nhiệm vụ cụ thể từ xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường nội địa… Riêng với việc tiêu thụ nông sản, như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đề cập ở trên, hiện nay ta còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của ta.
Hiện, Chính phủ đã có Công văn 808 chỉ đạo cho phép xuất nhập khẩu vận chuyển hàng hóa qua biên giới đúng quy định bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, Chính phủ rất cương quyết trong việc đối phó với dịch, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, về lâu dài, những mặt hàng nông sản cần có giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Ta sẽ phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc vào một thị trường.
Bộ Công Thương cũng đã làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối hỗ trợ đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu địa phương, doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các sản phẩm thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Với các mặt hàng khác, không riêng gì nông sản, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các thương vụ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ NN&PTNT, các hiệp hội ngành hàng để mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường khác, ngoài thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng cho biết.
Năm học có thể sẽ kéo dài thêm bù vào thời gian nghỉ
Liên quan đến câu hỏi: Với tình hình dịch diễn biến phức tạp tới đây, Bộ GD&ĐT có phương án cho học sinh nghỉ học không? Đối với học sinh lớp 12, lịch thi tốt nghiệp của các em sẽ bị ảnh hưởng, Bộ GD&ĐT có phương án thế nào?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Quan điểm của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, đầu tiên là đặt mục tiêu sức khỏe của người học lên trên hết. Theo tinh thần của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, quan điểm của Bộ là xuất phát từ tình hình dịch và đề xuất của các Sở GD&ĐT, Sở Y tế để quyết định cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm sức khỏe.
63/63 tỉnh, thành phố đã quyết định cho học sinh nghỉ học. Quan trọng nhất là nhận thức của giáo viên trong toàn ngành về phòng dịch. Bên cạnh đó, trong thời gian này, các cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện vệ sinh sạch sẽ trường, lớp, tăng cường các thiết bị y tế, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường.
Các cơ sở giáo dục cũng sẽ có điều kiện xây dựng các phương án phòng chống dịch trực tiếp tại trường như phải rửa tay trước khi vào lớp, học sinh đeo khẩu trang trước khi đến trường…
Liên quan kế hoạch nghỉ học, trong kế hoạch năm học Bộ GD&ĐT cũng đã dự kiến có 1 tuần lễ trong 1 học kỳ có thể cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết. Học sinh có thể học bù vào buổi sáng nếu học sinh học buổi chiều hoặc học vào thứ bảy, chủ nhật.
Trong trường hợp phải nghỉ học kéo dài, Bộ có thể điều chỉnh khung thời gian năm học, cụ thể là thời gian quy định kết thúc năm học là 31/5 thì có thể kết thúc năm học muộn hơn và có thể điều chỉnh thời gian tổ chức thi THPT Quốc gia. Tinh thần học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảm bảo chương trình giáo dục đào tạo, đảm bảo chất lượng và đặc biệt là đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.