Đã có 100 ca tử vong do sốt xuất huyết

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 247.202 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 100 ca tử vong.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 247.202 trường hợp mắc, 100 ca tử vong do sốt xuất huyết.

So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,7 lần, tử vong tăng 80 trường hợp. Con số này tăng hơn 10.000 ca mắc mới và 2 trường hợp tử vong so với tuần đầu tháng 10/2022.

Năm nay số ca sốt xuất huyết diễn biến nặng tăng cao so với những năm trước.

Năm nay số ca sốt xuất huyết diễn biến nặng tăng cao so với những năm trước.

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 56 ổ dịch sốt xuất huyết mới. Hiện, còn 171 ổ dịch đang hoạt động. Đặc biệt, ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 131 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận trên 4.700 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), 5 ca tử vong. Tuýp virus Dengue lưu hành trên địa bàn thành phố được xác định là D1; D2 và D4.

Phó giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cảnh báo, 2022 là năm chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12 gây lượng mưa lớn. Do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo. Thậm chí, dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh vào tháng 10 như mọi năm, mà còn vào giữa tháng 10 và 11.

Tại TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 62.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021. Có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn.

Một số tỉnh phía Nam cũng ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. An Giang là một trong những tỉnh từ đầu năm đến nay có ca mắc tăng cao so với cùng kỳ 2021.

Từ đầu năm đến ngày 2/10, tỉnh ghi nhận 13.973 ca sốt xuất huyết, 3 ca tử vong. Tỉnh Đồng Tháp cũng ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 9.983, tăng 9.091 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh từng tuần. Vì thế, người dân cần hết sức chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh căn bệnh này.

Các triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết có thể bị nhầm với bệnh khác gây sốt, đau nhức hoặc phát ban. Tuy nhiên, người mắc bệnh nặng có thể bị đe dọa tính mạng trong vài giờ và thường cần được chăm sóc tại bệnh viện.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 1/20 người mắc sốt xuất huyết sẽ tiến triển nặng và có thể sốc, xuất huyết hay thậm chí tử vong. Nếu từng mắc sốt xuất huyết trước đây, nhiều khả năng, người bệnh sẽ bị bệnh nặng.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng cao hơn. Do đó, việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng là vô cùng quan trọng. Các dấu hiệu cảnh báo này thường bắt đầu trong 24 - 48 giờ sau khi hết sốt.

Chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần đến bệnh viện ngay khi người có các dấu hiệu: Đau bụng; Nôn (ít nhất 3 lần trong 24 giờ); Chảy máu mũi hoặc nướu răng; Nôn ra máu hoặc có máu trong phân; Cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn hoặc dễ bị kích thích.

Cũng về sốt xuất huyết, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc về việc cung ứng dịch truyền Dextran 40 (dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue

Cục Quản lý Dược cho biết, theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế dung dịch cao phân tử được hướng dẫn sử dụng trong điều trị sốc sốt xuất huyết gồm Dextran 40, Dextran 70, Hydroxyethyl starch 6% 200.000 dalton.

Các dịch truyền chứa Dextran 40 hoặc Dextran 70 hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Do đó, việc cung ứng thuốc phải thông qua hình thức cấp phép nhập khẩu chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu thuốc gặp phải nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam (hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho Việt Nam).

Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam vẫn diễn biễn phức tạp. Nhu cầu sử dụng dịch truyền Dextran từ các cơ sở khám chữa bệnh tính đến ngày 31/8/2022 hiện nay, 32 đơn vị đề xuất nhu cầu là 13.708 túi Dextran 40 và cam kết nhận hàng. Ngoài ra, 25 đơn vị đề xuất với số lượng 17.537 túi dextran;

Để kịp thời cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa Dextran 40 hoặc Dextran 70.

Sau khi tìm được nguồn cung ứng, liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Bộ Y tế;

Đồng thời, cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý Dược về tình hình nhập khẩu.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/da-co-100-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-d175412.html