Đã có chuyển biến trong công tác chống 'giặc lửa' ở Thủ đô
Sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại phố Khương Hạ (Thanh Xuân), công tác phòng, chống cháy nổ được thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ.
Ngoài việc tập huấn kỹ năng, phát huy hiệu quả mô hình chữa cháy công cộng, tổ liên gia về phòng cháy, chữa cháy, nhiều người dân, chính quyền đã đầu tư mua sắm, xây dựng, lắp đặt thêm những trang thiết bị phục vụ phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ đáp ứng tình hình thực tế tại địa phương.
Những việc làm trên nhằm cụ thể nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác phòng, chống cháy nổ.
Xây bể nước ngầm phục vụ chữa cháy
Quận Ba Đình có đặc thù nhiều khu phố cũ, phố cổ với những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, chiều rộng chỉ chừng 2 đến 3m, dài cả trăm mét, trong đó dân cư sinh sống kết hợp buôn bán san sát nhau. Đơn cử, ngõ 515 đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc (Ba Đình) chỉ rộng chưa đầy 3m nhưng dài tới hơn 200m, là nơi sinh sống của trên 2.000 người dân. Mật độ dân số lớn, ngõ lại nhỏ; khi hỏa hoạn xảy ra việc cứu người, chữa cháy sẽ rất khó khăn vì xe chữa cháy chuyên dụng không thể phát huy tác dụng. Để kịp thời xử lý tại chỗ những đám cháy ở các con ngõ nhỏ, chính quyền, lực lượng Công an quận đã trang bị nhiều bình chữa cháy, vòi phun nước tại những điểm chữa cháy công cộng. Tuy nhiên, để việc chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” được thực hiện hiệu quả hơn tại mỗi khu dân cư, quận Ba Đình đã triển khai ý tưởng xây bể nước ngầm tại những khu đất công cộng trong các con ngõ nhỏ.
Tại ngõ 515, công trình bể nước ngầm phòng cháy, chữa cháy đang được khẩn trương thi công. Theo Công ty chữa cháy Thiên Minh - đơn vị thi công bể nước ngầm chữa cháy ngõ 515, khu vực được xây bể ngầm trước đây là nhà kho của Hợp tác xã hoa rau Vĩnh Phúc, do nhiều năm không sử dụng đã xuống cấp. Quận Ba Đình chỉ đạo xây dựng bể nước tại khu đất của hợp tác xã trên. Theo đó, đơn vị sẽ xây bể nước ngầm có thể tích thực chứa khoảng 80m3. Hiện nay, Công ty đang gấp rút triển khai các biện pháp thi công để cuối tháng 10 năm nay đưa bể ngầm vào sử dụng.
Công ty chữa cháy Thiên Minh cho biết thêm cùng với bể chứa, đơn vị được chỉ đạo lắp đặt thêm máy bơm, hút công suất lớn, có áp lực mạnh để đáp ứng chữa cháy tại khu dân cư.
Theo ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, qua thống kê, trên địa bàn có 45 ngõ nhỏ, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp không thể di chuyển được trong ngõ. Do vậy, quận sẽ tiến hành xây dựng 45 bể nước ngầm tại các con ngõ đặc thù. Tại những vị trí có sẵn mặt bằng, quận sẽ triển khai xây dựng ngay để có thể đưa vào sử dụng sớm nhất, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài những khu vực xây bể nước ngầm, quận sẽ lắp đặt những cụm bơm công suất lớn tại khu dân cư có ao, hồ tự nhiên để cung cấp nước chữa cháy thuận tiện nhất.
Chứng kiến việc khẩn trương xây dựng bể nước ngầm phòng cháy, bà Lê Thị Kim Chung, ở ngõ 515, phường Vĩnh Phúc (Ba Đình) chia sẻ, nhiều năm sinh sống tại đây nhưng chưa chứng kiến cháy nổ lớn xảy ra. Tuy nhiên, những tháng gần đây, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra hỏa hoạn, khiến nhiều người dân trong ngõ lo lắng, đặt câu hỏi, nếu cháy nổ xảy ra thì công tác cứu hỏa, dập lửa sẽ như thế nào, khi phương tiện chuyên dụng không thể di chuyển. Khi biết UBND quận Ba Đình cho xây dựng công trình bể nước ngầm chữa cháy, bà Chung cảm thấy yên tâm hơn.
“Việc quận Ba Đình cho xây dựng bể nước ngầm chữa cháy trong các ngõ nhỏ để chữa cháy, tôi thấy rất sáng tạo, linh hoạt, xuất phát từ sự trăn trở của lãnh đạo về bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt, khi xây bể ngầm, không ảnh hưởng tới không gian sinh hoạt của cư dân nên được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tôi mong việc xây dựng sớm hoàn thành để đưa bể nước vào sử dụng”, bà Chung chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả phòng cháy
Cùng với xây dựng bể nước ngầm, quận Ba Đình còn dành khoảng 300 triệu đồng để đầu tư 16 hệ thống cảnh báo cháy sớm tự động, đặt tại trụ sở các đơn vị thụ hưởng ngân sách của quận. Ưu điểm của hệ thống là thông báo cháy nhanh chỉ trong 6 giây, cho biết chính xác vị trí cháy bằng tin nhắn điện thoại và cuộc gọi. Đáng chú ý, hệ thống này cũng kết nối trực tiếp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận.
Nói về ý nghĩa của hệ thống cảnh báo cháy sớm, Trung tá Trương Văn Dương, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an quận Ba Đình nhấn mạnh, việc lắp thiết bị cảnh báo cháy sớm qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp việc chữa cháy hiệu quả hơn. Lực lượng chức năng sẽ không mất thời gian dò tìm vị trí mà dành thời gian tác chiến dập lửa ngay, góp phần giảm thiệt hại do cháy nổ gây ra. Thời gian tới, quận đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm.
Trường Trung học cơ sở Thành Công (Ba Đình) là đơn vị đầu tiên được lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm. Anh Phạm Văn Công, bảo vệ trường nêu cảm nhận, trước chưa có hệ thống báo cháy tự động, nếu xảy ra cháy sẽ mất thời gian tìm điểm cháy để dập lửa. Hơn nữa, khi xảy cháy, bảo vệ lại không có mặt ở trường thì càng khó xác định điểm cháy ở đâu. Hiện nay, với thiết bị báo cháy sớm tự động, khi có cháy, hệ thống sẽ báo chuông và đồng thời nhắn tin, gọi điện vào điện thoại di động để báo cho người quản lý hệ thống biết đang cháy ở phòng, tầng hay khu vực nào trong trường. Từ khi có hệ thống báo cháy sớm tự động này, anh thấy yên tâm hơn.
Qua tìm hiểu, không chỉ các cơ quan, công sở ở Hà Nội nâng cao ý thức, bổ sung trang bị thiết bị phòng chống cháy nổ mà ngay tại từng hộ gia đình ở Thủ đô đã coi đây là việc cần phải làm ngay.
Trong thời gian qua, nhiều nhà dân ở Thủ đô đã chủ động mở thêm lối thoát hiểm, lắp đặt thang bộ bên ngoài tòa nhà cũng như sẵn sàng chi khoản tiền không nhỏ để đầu tư trang thiết bị phòng, chống cháy nổ cho gia đình.
Theo chị Trương Thị Mị (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), mỗi hộ dân chi từ 5-20 triệu đồng mua trang bị thiết bị phòng, chống cháy nổ như bình bọt, thang dây, mặt nạ phòng độc…, để bảo vệ được tính mạng của cả gia đình là quá rẻ. Trên thực tế, nhiều người đầu tư bộ quần áo, đôi giầy cả chục triệu đồng không thấy tiếc, trong khi mua thiết bị phòng cháy tại gia đình lại ngại ngần, băn khoăn. Chị Mị phân tích: "Mỗi người dân cần thay đổi nhận thức để tự cứu mình trước, không để xảy ra hỏa hoạn rồi mới hối hận".
Sự chủ động, tích cực của các địa phương và cả người dân sẽ tạo thành những pháo đài vững chắc để chống lại “giặc lửa”. Bên cạnh sự đầu tư về cơ sở, vật chất, trang thiết bị chữa cháy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng và ý thức phòng, chống cháy, nổ cũng rất cần thiết, cần được các cấp của thành phố, người dân quan tâm thường xuyên. Càng nhiều người được trang bị kỹ năng, kiến thức, dụng cụ, phương tiện để bảo vệ an toàn cho bản thân và người thân xung quanh thì càng giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng, xã hội khi xảy ra cháy nổ.