Đã có phương án phân bổ vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Giải trình các vấn đề liên quan đến việc phân bổ vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, Bộ hiện đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng phương án phân bổ. Trên cơ sở phương án phân bổ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ của năm 2021, 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025 của 3 Chương trình. Các bước tiếp theo, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ có thể giao ngay cho các bộ, ngành và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu

Trả lời câu hỏi của đại biểu tại phiên giải trình về đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công do Ủy ban Tài chính-Ngân sách tổ chức chiều nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, với việc chưa giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, được Quốc hội thông qua năm 2020. Đến năm 2021, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thực hiện xong phê duyệt Quyết định đầu tư và một số văn bản có liên quan. Tuy nhiên, về tiêu chí, nguyên tắc, xác định danh mục các địa phương được hưởng đến đầu năm 2022 mới hoàn thành.

Đối với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới), trên cơ sở tổng kết, đánh giá để xây dựng chương trình mới cho giai đoạn tiếp theo, sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định xong, các Bộ đã rất khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư Chương trình. Toàn bộ hồ sơ, quyết định liên quan đến Chương trình đủ điều kiện giao vốn gồm quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt nguyên tắc phân bổ vốn của Chương trình và quyết định phê duyệt các tiêu chí lựa chọn, các đơn vị xã, huyện được hưởng… thì đến quý I.2022 mới hoàn tất, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Ngay sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng phương án phân bổ với 3 nội dung, gồm: phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 100.000 tỷ đồng cho cả 3 Chương trình theo quy định Luật Đầu tư công trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân bổ vốn năm 2022 là 8.000 tỷ đồng và phân bổ cùng số tiền chuyển nguồn Quốc hội cho phép là 16.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phương án phân bổ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ của năm 2021, 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025 của 3 Chương trình. Các bước tiếp theo, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ có thể giao ngay được cho các bộ, ngành và địa phương.

Quang cảnh Phiên giải trình

Quang cảnh Phiên giải trình

Để triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với một số cơ chế đặc thù. Trong đó, có các quy định về cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia…

Tham gia giải trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, đầu năm 2021, Ủy ban Dân tộc đã tích cực triển khai, tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để có thể triển khai thực hiện Chương trình.

Để triển khai Chương trình này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ, "không thể thoát ra khỏi cơ chế chung" của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Và đến cuối năm 2021 đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giai đoạn I là từ năm 2021 đến năm 2025.

Tại Phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc khiến việc ban hành văn bản liên quan đến phân bổ vốn cho Chương trình còn chậm.

Tin và ảnh: N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/da-co-phuong-an-phan-bo-von-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-s1xi0gj1tl-82790