Đã có trẻ tử vong vì tay chân miệng, cha mẹ đặc biệt lưu ý 3 dấu hiệu này
Mặc dù được coi là bệnh lành tính, nhưng trẻ mắc tay chân miệng có thể biến chứng rất nhanh nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, ghi nhận một bé trai T.H.A. (1 tuổi, ở thị xã Buôn Hồ) đã tử vong vì bệnh tay chân miệng.
Trước đó ít ngày, trẻ sốt cao 39 độ C, ho khan ít, đi khám tại phòng khám tư được chẩn đoán viêm họng cấp, có uống thuốc hạ sốt 3 lần/ngày.
Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, trẻ sốt cao kèm nhiều cơn giật mình, có lúc li bì, gia đình vội đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại đây, bé A. được chẩn đoán suy hô hấp độ 4, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi bệnh tay chân miệng, viêm não màng não, viêm cơ tim cấp. Không may mắn bé A. tử vong ngay sau đó.
Chia sẻ về bệnh tay chân miệng, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, đa phần trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi trẻ bị tay chân miệng, điều cần lưu ý nhất là phụ huynh nhận biết được dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng.
Theo đó có 3 dấu hiệu quan trọng "chỉ điểm" bệnh của trẻ đã biến chứng. Thứ nhất là trẻ giật mình khi đang thiu thiu ngủ, hoặc trẻ đang ngủ. Nếu trong vòng 30 phút mà trẻ giật mình 2 lần trở lên chắc chắn bệnh của trẻ trở nặng.
Thứ 2 là 1 số trẻ sẽ quấy khóc liên tục, mạch nhanh, da nổi bông tím hoặc trẻ yếu tay, yếu chân.
Thứ 3 là trẻ sốt trên 2 ngày và sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, dùng thuốc Paracetamol cũng không hạ.
“Khi có bất kỳ 1 trong 3 dấu hiệu trên, thì cha mẹ không chậm trễ cho trẻ đến viện. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong”, BS Khanh lưu ý.
Theo chuyên gia y tế nhi khoa, bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ ở nốt phỏng nước trên da, niêm mạc…Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm, càng tốt để xác định mức độ bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng, ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên lau rửa các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh.
Giai đoạn ủ bệnh khoảng từ 3 đến 7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát bệnh từ 1-2 ngày với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 3-10 ngày với triệu chứng điển hình là loét miệng, phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông), sốt nhẹ, nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều, dễ có nguy cơ biến chứng.
Giai đoạn lui bệnh thường từ 3-5 ngày, cơ thể hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.