Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” theo Quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017-2021 (Đề án 31), UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án; đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ, người sử dụng lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLĐ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia thực hiện đề án như Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh, UBND các cấp, BHXH…
Các đơn vị đã chủ động biên soạn và phát hành tài liệu về tiền lương, đối thoại, tranh chấp lao động, hòa giải tranh chấp lao động; tuyên truyền thông qua tờ rơi, tờ gấp các nội dung về cải cách chính sách BHXH, chính sách tiền lương đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động… Qua đó, kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật lao động cho NLĐ, người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.
Từ năm 2017 đến nay, các đơn vị tham gia Đề án 31 đã tổ chức gần 250 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 32.000 lượt NLĐ, người sử dụng lao động và 3.200 lượt hợp tác xã. Nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng doanh nghiệp cũng như từng năm, trọng tâm về Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Doanh nghiệp…
Năm 2019, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh với nội dung trọng tâm về Bộ luật Lao động và chính sách BHXH, BHTN.
Hội thi là dịp để công nhân, lao động, cán bộ Công đoàn giao lưu học hỏi, trau dồi kiến thức pháp luật, giúp nhau tìm hiểu và chấp hành pháp luật trong lao động cũng như trong cuộc sống; góp phần đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Trong 5 năm thực hiện Đề án 31, LĐLĐ tỉnh đã thực hiện 12 chuyên mục "Lao động và Công đoàn"; duy trì các chuyên mục “Hỏi - Đáp pháp luật”, “Tư vấn pháp luật” trên Trang thông tin điện tử và Bản tin Công đoàn Vĩnh Phúc; phản ánh các tình huống, câu hỏi trong thực tế liên quan đến chế độ chính sách, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.
Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đưa hàng trăm tin, bài về các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động; quy định về mức lương tối thiểu vùng; tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động; danh sách các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động; văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019.
Đồng thời, các đơn vị duy trì thực hiện việc trả lời vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp qua đường dây nóng của Cổng Thông tin doanh nghiệp - chính quyền, Cổng thông tin và giao tiếp điện tử cũng như qua văn bản trả lời, hướng dẫn.
Trong 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị đã tăng cường tuyên truyền thông qua pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu với các nội dung về Tháng công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, Tháng vận động tham gia BHXH toàn dân.
Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động, giúp họ tiếp cận thông tin về pháp luật lao động ngày càng nhanh và hiệu quả hơn.
Đến nay, 100% người sử dụng lao động, hơn 85% NLĐ của các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động. Quan hệ lao động trong doanh nghiệp đã có chuyển biến theo hướng hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Hoạt động đối thoại tập thể được quan tâm thực hiện, một số doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn cũng chủ động thực hiện và duy trì. Đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ được người sử dụng lao động quan tâm, hỗ trợ. Năm 2021, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của NLĐ tăng hơn 1 triệu đồng so với năm 2017. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ chi phí đi lại khi về quê đón Tết, được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong năm…
Ông Đoàn Quang Vinh, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết: "Nhờ việc đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, sau 5 năm thực hiện Đề án 31, ý thức của NLĐ và người sử dụng lao động trong tìm hiểu pháp luật và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ý thức chấp hành nội quy, quy chế, kỷ luật được nâng lên rõ rệt.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch giai đoạn 2022-2025, tiếp tục nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ".