Đa dạng các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ

Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động hội viên, phụ nữ tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành nghề, phát triển các mô hình trang trại, doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác liên kết sản xuất - kinh doanh; phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ phụ nữ các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP.

Gia đình bà Đỗ Thị Cúc, khu phố 3, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) khởi nghiệp, kinh doanh lạc đỏ truyền thống tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

Gia đình bà Đỗ Thị Cúc, khu phố 3, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) khởi nghiệp, kinh doanh lạc đỏ truyền thống tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

Để nâng cao giá trị các sản phẩm dược liệu tự nhiên, an toàn tốt cho sức khỏe của cộng đồng, chị Đỗ Thị Gấm, ở xã Hải Tây (Hải Hậu) đã quyết định phát triển sản xuất dòng sản phẩm trà thảo mộc, dược liệu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ tại địa phương. Chị Gấm đã chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác của gia đình sang trồng cây dược liệu, đồng thời liên kết với một số hộ trong xã thành lập HTX dược liệu sinh thái Ngọc Trà, thành viên của HTX là các gia đình chị em phụ nữ có sở hữu đất trồng dược liệu, là lợi thế cung cấp cho việc sản xuất sản phẩm của HTX. Hiện nay, HTX có hơn 2ha đất trồng dược liệu, với 6 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; góp phần tạo công ăn việc làm cho 18 lao động thường xuyên và 21 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, Dự án khởi nghiệp “Hợp tác xã Dược liệu sinh thái Ngọc Trà” của chị Gấm đã lọt vào Vòng thi chung kết cấp vùng của Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động và đã đạt Giải khuyến khích.

Xã Nam Điền (Nam Trực) là địa phương có nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh hàng trăm năm. Đây là nghề chính của người dân trong xã; trong đó phần lớn lao động là chị em phụ nữ trên địa bàn. Từ năm 2018, Hội LHPN xã đã thành lập và duy trì mô hình tổ liên kết nữ trồng hoa cây cảnh với 126 hội viên. Mô hình đã giúp các hội viên phụ nữ ở làng nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống có điều kiện thuận lợi liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, Ban chủ nhiệm thường xuyên tạo cơ hội để hội viên phụ nữ trong tổ có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hàng ngày, các hội viên trong tổ còn trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống, vốn; cập nhật các xu thế mới của thị trường; áp dụng công nghệ để phát triển mô hình... qua đó cùng giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng.

Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng công tác dạy nghề, mở rộng liên kết tổ chức dạy nghề tại doanh nghiệp, cơ sở làng nghề; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khởi sự kinh doanh, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; vận động hội viên phụ nữ tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn... Bên cạnh đó, các cấp hội còn động viên, hướng dẫn hội viên có tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả ở nông thôn; tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Để nắm bắt và hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, hàng năm, các cấp Hội LHPN đã khảo sát nhu cầu hội viên, phụ nữ ở cơ sở. Từ đó, xây dựng mô hình giảm nghèo phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và tình hình thực tế tại địa phương. Các cấp hội cũng thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ; kịp thời phát hiện, nêu gương, nhân rộng các điển hình phụ nữ vươn lên thoát nghèo ở cơ sở… Tiêu biểu như chị Phạm Thị Chiên, chủ cơ sở nuôi thủy sản và trồng cây dược liệu, xóm 10, xã Hải Châu (Hải Hậu), tạo việc làm cho 35 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 8,3-12,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Định, xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) là chủ cơ sở sản xuất miến dong sạch Bân Định có doanh thu đạt 350-450 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động nữ với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Vũ Thị Tính, thôn Hạ, Điền Xá, xã Nam Điền (Nam Trực), chủ cơ sở trồng cây cảnh bonsai, tạo việc làm cho 50 lao động (có 40 lao động nữ) với thu nhập ổn định 2 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thoa, xóm 22, xã Yên Đồng (Ý Yên), chủ cơ sở sản xuất mũ đay, mũ vải, doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 40 chị em phụ nữ, thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng…

Với nhiều cách làm sáng tạo, Hội LHPN các cấp đã trở thành chỗ dựa vững chắc giúp nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh phát huy khả năng sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 3.369 tổ, nhóm tiết kiệm, huy động được số tiền trên 545 tỷ đồng, hỗ trợ 106.458 lượt phụ nữ vay phát triển kinh tế. Cùng với đó, các cấp Hội còn vận động chị em chung tay giúp nhau ngày công, cây, con giống; hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết... Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc Hội Phụ nữ các huyện, thành phố rà soát, nắm chắc số lượng, nguyên nhân các hộ nghèo, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ để lên phương án giúp đỡ phù hợp như: cho vay vốn không lấy lãi hoặc lãi suất ưu đãi; giới thiệu tham gia các lớp học nghề; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; thăm hỏi, động viên lúc ốm đau, hoạn nạn… Năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình chính sách, hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ vật chất, trao phương tiện sinh kế, thành lập các mô hình, câu lạc bộ để hỗ trợ chị em thoát nghèo được triển khai hiệu quả ở nhiều cơ sở hội, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, khẳng định vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/da-dang-cac-hoat-dongho-tro-sinh-ke-cho-phu-nu-14520b2/