Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực chất, rõ tiêu chí và sát nhu cầu thực tiễn

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk cần bổ sung ưu tiên nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải chuyển từ hình thức hành chính sang hỗ trợ theo kết quả, tránh dàn trải, khó tiếp cận”. Đó là một trong những ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội nghị “Phản biện xã hội đối với Dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk, về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh này tổ chức hôm nay (20/5).

HĐND tỉnh Đắk Lắk sẽ ban hành nghị quyết mới để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2025-2030

HĐND tỉnh Đắk Lắk sẽ ban hành nghị quyết mới để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giai đoạn 2025-2030

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, song số lượng lớn lại có quy mô rất nhỏ, tiềm lực yếu và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường. Việc HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành nghị quyết mới để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là cần thiết, nhằm gỡ bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực và góp phần cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nghị quyết được ban hành cũng sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên đề xuất, để nghị quyết đi vào cuộc sống, thực chất và hiệu quả cần phải thể hiện được chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang “hỗ trợ” đảm bảo theo đầu ra và hiệu quả sản xuất, kinh doanh cụ thể, minh bạch tiêu chí, công khai nguồn lực ngân sách, gắn với phân kỳ thực hiện rõ ràng.

“Việc tư vấn chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, chuyển đổi thuế... không phải là miễn phí mà là trách nhiệm của công chức nên không đưa vào đây. Hãy hỗ trợ những gì để họ có thể tham gia. Vì vậy, chúng ta phải hỗ trợ thiết thực từ miễn thuế hay hỗ trợ kế toán trực tiếp luôn cho họ, lúc đó những kỳ vọng mong muốn họ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mới đúng với ý định của nghị quyết”, ông Tuyên nói.

Tại hội nghị, các đại biểu nêu ý kiến về một số nội dung liên quan đến hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thông tin truyền thông, xúc tiến thương mại; sự cần thiết gắn kết doanh nghiệp trong tỉnh với chuỗi cung ứng và thị trường ngoài tỉnh…

Ông Phạm Hát, nguyên Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Lắk đề xuất cần có cơ chế ưu tiên đối với doanh nghiệp đặc thù mang tính địa phương

Ông Phạm Hát, nguyên Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Lắk đề xuất cần có cơ chế ưu tiên đối với doanh nghiệp đặc thù mang tính địa phương

Một số đại biểu cho rằng, Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần bổ sung ưu tiên nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp tại địa phương.

“Về chính sách ưu tiên đặc thù, do Đắk Lắk có đông đồng bào dân tộc thiểu số và kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ, do người dân tộc thiểu số lãnh đạo, hoặc hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, để đảm bảo việc sử dụng ngân sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tốt hơn”, ông Phạm Hát, nguyên Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Lắk đề xuất.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-can-thuc-chat-ro-tieu-chi-va-sat-nhu-cau-thuc-tien-post1200832.vov