Đa dạng các hoạt động văn hóa mừng xuân tại Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025
Chiều 13-1, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM (số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Đây là lần thứ 18 lễ hội được tổ chức với hàng loạt hoạt động mừng tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lan tỏa các giá trị truyền thống.
Tham dự lễ khai mạc có đông đảo các diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu, MC… Ngoài các tiết mục ca nhạc nghệ thuật, biểu diễn lân sư rồng, lễ khai mạc còn có các màn biểu diễn thư pháp khai bút đầu xuân,...
Ngay sau lễ khai mạc là chương trình tri ân, tôn vinh các văn nghệ sĩ tại TPHCM đã đóng góp vì cộng đồng trong năm 2024.
Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 diễn ra từ 13-1 đến 2-2 (nhằm ngày 14 tháng chạp đến mùng 5 tết). Trong đó có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, không gian lễ hội, Phố ông đồ, Tổ hợp nghệ thuật – Youth Station.
Lễ hội 2025 vẫn trung thành với ý tưởng xuyên suốt là Phố ông đồ trẻ, không gian hoa mai và Làng nghề truyền thống nhằm giữ gìn nét xưa, đồng thời làm mới bằng nghệ thuật tạo hình, phát huy bảo tồn những giá trị cốt lõi, bản sắc của người Việt Nam; cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được diễn ra trong lễ hội.
Phố ông đồ hội tụ hơn 50 ông đồ trẻ - những người trẻ yêu nghệ thuật thư pháp – sẽ bày mực tàu giấy đỏ, những vật dụng trang trí gợi nhớ Tết xưa được sắp đặt dọc mặt tiền Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai... Khách đến đây có thể “xin chữ”, trải nghiệm workshop tại chỗ, gửi gắm những ước nguyện ngày xuân của mình vào những câu chúc tốt lành.
Không gian hoa mai được các nghệ nhân khéo léo tạo hình, sắp đặt hài hòa tạo điểm nhấn về sắc màu thể hiện sự thịnh vượng của mùa xuân; rặng mai vàng kết hợp với hơn 5.000 cây tre được tạo hình nghệ thuật bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch.
Làng nghề truyền thống được lấy cảm hứng và nét đẹp từ làng gốm Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, làng chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Việt Nam năm 2013), làng nghề đan lát Mỹ An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)… Tất cả được sắp đặt và tạo hình khéo léo, gợi nên một không gian tết yên bình với mái nhà quê ấm cúng, cây xanh tươi mát trong nắng vàng, cây nêu dân dã và những ngôi nhà đoàn viên trong hạnh phúc bình dị...
Làm nên không khí rộn ràng xuyên suốt lễ hội là các chương trình nghệ thuật đa dạng, từ những đêm diễn xướng dân gian Nam bộ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, đến biểu diễn Lân Sư Rồng, ca múa nhạc truyền thống, ban nhạc trẻ, biểu diễn thời trang...
Trong khuôn khổ lễ hội có các chương trình chăm lo tết cho các em thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ các em nhỏ cơ nhỡ, mái ấm tình thương vui tết...
Đặc biệt, tại không gian Tết Việt này còn có nhiều hoạt động lớn của các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Thành phố như: Chương trình “Chuyến xe mùa xuân” cho sinh viên về quê đón tết; Họp mặt “Sinh viên đón Tết xa nhà”; Chương trình “Chuyến xe sum vầy” cho công nhân về quê dịp Tết; Chương trình “Nghĩa tình mùa xuân”...
>> Một số hình ảnh nghệ sĩ, người dân tại không gian Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025: