Đa dạng các mô hình khuyến nông
Đồng hành cùng nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, triển khai nhiều mô hình khuyến nông, góp phần thay đổi tư duy của nhà nông, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị.
Thăm mô hình 1 ha chôm chôm được trồng thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với hệ thống tưới ẩm, tại xã Huổi Một, huyện Sông Mã do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, khép kín từ khâu trồng trọt đến thu hoạch. Toàn bộ diện tích được ứng dụng công nghệ tưới ẩm, vừa giúp tiết kiệm nước, vừa giảm công chăm bón.
Ông Nguyễn Mạnh Khương, bản Co Kiểng, xã Huổi Một, cho biết: Đến nay, chúng tôi đã nắm được quy trình trồng, thâm canh chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP; bước đầu cho thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của bản, với tỷ lệ cây sống đạt 97%.
Còn tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, ngay đầu năm mới, người nông dân cũng được đón nhận tin vui, khi 800 ha xoài của xã được UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao, trở thành vùng trồng cây ăn quả thứ hai của huyện đạt được danh hiệu này. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, cho biết: HTX có 10 thành viên, trồng 150 ha nhãn, hơn 100 ha xoài. Trong 3 năm qua, cùng với sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTX đã duy trì và tuân thủ quy trình sản xuất xoài an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, hơn 80 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP, là tiền đề quan trọng cho HTX nâng cao giá trị nông sản.
Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 8 mô hình khuyến nông từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, Trung ương cấp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phối hợp tổ chức gần 40 lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt người, bao gồm khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông và nông dân; triển khai hàng chục mô hình trình diễn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới tại các huyện, thị xã, thành phố, góp phần đa dạng hóa cây trồng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân từ 20% trở lên so với sản xuất truyền thống.
Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Trung tâm chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn các hộ xây dựng các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, tập trung giới thiệu và nhân rộng các giống cây ăn quả mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng địa phương; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất theo quy trình VietGAP; chuyển giao khoa học kỹ thuật và thực hành trực tiếp trên đồng ruộng.
Gắn kết với nông dân, thông qua các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã trang bị cho nông dân kiến thức và kỹ năng cần thiết, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển đổi từ phương thức canh tác nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/da-dang-cac-mo-hinh-khuyen-nong-5SmXB5FHR.html