Đa dạng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank khi chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng về những giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3.

NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3. Theo ông, quy định về mốc thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại Dự thảo có đủ giúp cho ngân hàng hỗ trợ được khách hàng phục hồi và phát triển trong thời gian tới?

NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3. Theo ông, quy định về mốc thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại Dự thảo có đủ giúp cho ngân hàng hỗ trợ được khách hàng phục hồi và phát triển trong thời gian tới?

Có thể nói, việc có một Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ tác động tích cực, giúp khách hàng được điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ phù hợp với khả năng thu xếp các nguồn tiền trả nợ, đồng thời giúp khách hàng có dòng tiền để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống.

TPBank cũng đã nhận được Dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3. Dự thảo Thông tư đã có những quy định nhiều vấn đề mà khách hàng chịu thiệt hại, ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 có thể gặp phải. Đơn cử, quy định xem xét và cơ cấu lại thời hạn trả nợ dành cho khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến hết ngày 31/12/2025 là hợp lý. Thời gian từ nay đến cuối năm 2025 còn hơn 1 năm nữa. Trường hợp muộn nhất, kỳ hạn trả nợ của khách hàng đến cuối năm 2025 vẫn tiếp tục được gia hạn kéo dài đến năm 2026. Như vậy cũng đã đủ thời gian cho khách hàng hồi phục. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đang băn khoăn về một điều kiện để khách hàng được hưởng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ngân hàng đang băn khoăn về điều kiện khách hàng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ quá hạn trên 10 ngày tính từ ngày 7/9/2024 đến ngày Thông tư này có hiệu lực. Theo như dự kiến, Thông tư phải mất vài ngày nữa mới chính thức có hiệu lực, mà ngay sau khi bão diễn ra, khách hàng đã thiệt hại và mất nguồn thu nhập. Trong khi phần lớn các khoản vay của khách hàng thường trả vào ngày 25 hàng tháng, hoặc có thể sớm hơn tùy ngân hàng. Vì vậy họ có thể đã quá hạn hơn 10 ngày tính đến ngày Thông tư mới có hiệu lực, dẫn đến việc đa phần khách hàng không đáp ứng được điều kiện cơ cấu lại nợ kỳ đầu tiên.

Từ thực tế trên, ngân hàng kiến nghị NHNN có thể xem xét sửa đổi điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong riêng kỳ đầu tiên, cho phép khách hàng quá hạn không quá 30 ngày kể từ ngày đến hạn trả nợ kỳ đầu tiên thay vì 10 ngày, các kỳ sau thì vẫn giữ nguyên điều kiện này. Như vậy, số khách hàng được áp dụng chính sách này nhiều hơn và phù hợp với thực tế.

Ông có đề xuất, kiến nghị gì để giúp các ngân hàng có thêm điều kiện hỗ trợ khách hàng sớm vượt qua khó khăn, phục hồi hiệu quả trong thời gian tới?

Ông có đề xuất, kiến nghị gì để giúp các ngân hàng có thêm điều kiện hỗ trợ khách hàng sớm vượt qua khó khăn, phục hồi hiệu quả trong thời gian tới?

Mặc dù ngành Ngân hàng đang dành mọi nguồn lực, cơ chế để hỗ trợ khách hàng, thậm chí chủ động hy sinh lợi nhuận, giảm lãi suất cho khách hàng nhưng cơn bão gây thiệt hại lớn nên những hỗ trợ trên chưa đủ trợ giúp cho người dân, doanh nghiệp sớm hồi phục.

Để các chính sách hỗ trợ lan tỏa mạnh hơn, Chính phủ xem xét có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn thông qua chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế; có thêm một số chương trình hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp phục hồi sớm sản xuất dựa trên đặc thù riêng tại địa phương, nhất là những nơi bị ảnh hưởng nặng. Hiện tại dù ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất từ 0,5%- 2%/năm nhưng nếu giảm thêm được sẽ hỗ trợ tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp. Như vậy, các ngân hàng cần nguồn vốn giá tốt hơn, có thể hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, người dân bớt áp lực tài chính, phục hồi nhanh hơn sau bão.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có nguồn lực lớn hơn để khắc phục thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định sản xuất- kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Hà Thành

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/da-dang-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-156321.html