Đa dạng cơ chế để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn
Một trong những vấn đề được đặt ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Trên thực tế, để kinh tế tư nhân bứt phá và trở thành trụ cột, một trong những vấn đề luôn được quan tâm đó chính là giúp tăng khả năng tiếp cận vốn để các doanh nghiệp phát triển. Đây là một bài toán lớn mà các doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) nói riêng đang rất cần được tháo gỡ.
Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn lực tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các DNNVV. Theo các chuyên gia, với vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế, các TCTD không chỉ đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Việc thiết kế các gói tín dụng linh hoạt, lãi suất ưu đãi, thủ tục vay vốn được cải tiến, cùng với các dịch vụ tư vấn tài chính đi kèm là những nỗ lực của ngành Ngân hàng làm tăng khả năng tiếp cận vốn, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Hiện tại không ít NHTM đã triển khai hàng loạt sản phẩm tín dụng được thiết kế riêng, hướng đến nhóm khách hàng DNNVV. Đơn cử như MB phát triển nền tảng BIZ MBBank mạnh mẽ, phục vụ hơn 350.000 doanh nghiệp với nhiều giải pháp thiết thực. Vay vốn trên BIZ MBBank sẽ dựa hoàn toàn trên dữ liệu số, không cần tài sản thế chấp, đã giúp cho hơn 4.000 doanh nghiệp vay tín chấp trong năm 2024. Điểm đặc biệt của nền tảng này là AI sẽ phân tích dữ liệu giao dịch giúp phê duyệt siêu tốc sau 5 phút và giải ngân online, không giấy tờ, nhờ đó mà doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Giải quyết thủ tục nhanh gọn cho doanh nghiệp cũng là một điểm nhấn trong hỗ trợ vay vốn của ngân hàng ACB. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Quan hệ khách hàng doanh nghiệp cao cấp ngân hàng này cho biết, hỗ trợ DNNVV luôn là một trong những chiến lược trọng tâm của ngân hàng. Hiện ACB đang có nhiều sản phẩm phù hợp dành cho các đối tượng khách hàng này như vay vốn bổ sung lưu động trung hạn và ngắn hạn với lãi suất cạnh tranh, thủ tục nhanh gọn, điều kiện vay phù hợp năng lực tài chính của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tại ACB cũng có các sản phẩm tài trợ thương mại, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong thanh toán quốc tế, xuất nhập khẩu và quản lý dòng tiền với tỷ giá hấp dẫn trên thị trường.
Tương tự, tại BIDV hiện đang có một gói giải pháp tài chính toàn diện cho DNNVV bao gồm: Tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 68/NQ-CP, tài trợ thương mại thông qua các sản phẩm L/C, chiết khấu chứng từ, bảo lãnh… Đồng thời, ngân hàng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội (Trung tâm PVHCC) để hỗ trợ cung ứng dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng số và các tiện ích của Đề án 06. Từ việc phối hợp với Trung tâm PVHCC, BIDV đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và mở tài khoản ngân hàng miễn phí kèm các gói ưu đãi. BIDV đã gián tiếp giúp doanh nghiệp mới thành lập tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường và thúc đẩy tiếp cận tài chính ban đầu.
Có thể thấy, các ngân hàng trong thời gian qua đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, để cải thiện hiệu quả, vẫn cần có đồng bộ các giải pháp từ các Bộ ngành liên quan. Một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện và phát huy vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, hoàn thiện mô hình các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở cả Trung ương và địa phương là một giải pháp căn cơ nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng và tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng nhưng thiếu tài sản thế chấp.
Mới đây Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 liên quan đến tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Việc sửa đổi nhằm điều chỉnh mô hình tổ chức quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro, điều chỉnh mức trích quỹ dự phòng rủi ro và nới lỏng điều kiện bảo lãnh. Ngoài ra, Bộ Tài chính được yêu cầu nghiên cứu đề xuất thành lập Quỹ tái bảo lãnh tín dụng cấp Trung ương để thực hiện chức năng tái bảo lãnh cho các quỹ cấp địa phương.