Đa dạng hàng hóa, dịch vụ phục vụ thị trường Rằm tháng 7
Sắp đến ngày Rằm tháng 7 - lễ Vu Lan báo hiếu, dịp này, các chợ truyền thống ở Hà Nội khá nhộn nhịp, nhất là hàng hương hoa, trái cây, hàng mã...
Còn 2-3 ngày nữa là đến ngày Rằm tháng 7 - lễ Vu Lan báo hiếu, cũng là ngày xá tội vong nhân theo tín ngưỡng dân gian. Dịp này, tại các siêu thị đến các chợ truyền thống khá nhộn nhịp, nhất là hàng hương hoa, trái cây, hàng mã, đặc biệt là những mâm cúng đồ ăn chay đang dần là xu hướng của nhiều gia đình.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ truyền thống như chợ Mơ, chợ Hôm Đức viên, chợ Hàng Bè… hay các tuyến đường ở Hà Nội cho thấy, giá các mặt hàng thực phẩm, hoa tươi có xu hướng tăng nhẹ.
Giá các loại rau, củ, quả, hoa tươi; các loại thịt, cá, giò chả… tăng 5-10% so với ngày thường.
Bà Hoàng Thị Hoa, kinh doanh các loại rau củ tại chợ Hôm Đức Viên cho biết: "Nhiều nơi quan niệm “Tết cả năm không bằng Rằm tháng Bảy” nên dịp này nhiều gia đình mua sắm nhiều, cầu kỳ, chúng tôi cũng chuẩn bị nhiều hàng hơn, gấp rưỡi hoặc gấp đôi ngày thường. Rau, củ năm nay nguồn cung dồi dào nên giá cả không có nhiều thay đổi, hầu như đều giữ giá hoặc chỉ tăng nhẹ".
Theo bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Nguyễn Công Trứ, nhìn chung hoa quả phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp Rằm tháng Bảy giá tăng nhẹ so với ngày thường. Hiện thanh long có giá 35.000-40.000 đồng/kg; cam Sài Gòn 30.000 - 40.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 40.000-60.000 đồng/kg; roi đỏ 70.000-90.000 đồng/kg…Giá hoa huệ 50.000-60.000 đồng/chục, hoa hồng giá 50.000-70.000 đồng/chục, hoa cúc giá 50.000 - 60.000 đồng chục…
Gà là mặt hàng có sức tăng mạnh nhất, đặc biệt giá gà trống tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg, giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Tương tự, mặt hàng thịt lợn như móng giò, ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức 100.000-130.000 đồng/kg, thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp… giá từ 230.000-320.000 đồng/kg…
Bên cạnh các nhóm thực phẩm truyền thống, năm nay trên thị trường xuất hiện nhiều thực phẩm chay. Các mặt hàng đồ cúng chay năm nay cũng khá đa dạng, ngoài các mặt hàng đồ chay quen thuộc như: nấm, đậu... nhiều cửa hàng còn bày bán thêm thực phẩm chay làm sẵn, như: chả giò chay, thịt gà chay, thịt bò chay, cá viên chay… Tháng Bảy theo quan niệm là tháng cô hồn, vong nhân xá tội nên không sát sinh, do đó, đồ chay khá “đắt khách”.
Chị Hoàng Vân, chủ một cửa hàng bán thực phẩm chợ Ngô Sỹ Liên cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay lượng khách đến đặt mua giò chay tăng gấp ba, gấp bốn lần ngày thường. Thường thì chỉ dịp đầu tháng hay ngày Rằm mới có lác đác khách hỏi mua giò chay, nhưng hiện gần lễ Vu Lan mỗi ngày chị bán được khoảng 60-70 kg giò, cao điểm hơn 80 kg giò chay.
Các tiểu thương kinh doanh đồ chay tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, hiện dịch vụ bán đồ chay đã trở nên phổ biến vì nhu cầu của nhiều người, nhất là những ngày mùng 1 và ngày rằm âm lịch hàng tháng, tuy nhiên “được mùa” nhất vẫn là dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu. Nếu như trước đây, món ăn chay chỉ đơn giản là rau củ luộc... thì nay mọi người có thể làm một mâm cỗ chay đủ các món nem, giò, chả, thịt, cá, tôm chay…
Tại An Lạc Chay, nhà hàng chuyên kinh doanh thực phẩm chay, trên phố Giảng Võ, chị Hoàng Thị Thu Hằng, chủ cửa hàng cho biết, dịp Rằm tháng Bảy lượng đơn đặt hàng tăng cao so với ngày thường. Những năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm chay được nhiều người biết đến hơn. Có 2 lý do chính để sử dụng thực phẩm chay là ăn chay vì sức khỏe và ăn chay vì quan niệm tâm linh.
Chị Hằng chia sẻ, trong tháng 7 âm lịch, đặc biệt là từ ngày 10 đến ngày 15, nhiều gia đình làm lễ cúng Rằm cũng đặt hàng mâm cỗ chay mang về nên thời điểm này luôn đông khách. Những ngày chính Rằm như 14, 15, nhân viên nhà hàng cũng luôn phải làm việc hết công suất, có thời điểm còn “quá tải”.
Theo chị Hằng, mâm cỗ chay cũng giống như mâm cỗ truyền thống, có đầy đủ các món như: nem, chả, canh, món xào, nộm… chỉ khác là toàn bộ nguyên liệu đều là đồ chay. Mỗi mâm đồ làm sẵn có giá từ 600.000 đồng cho tới 2.000.000 đồng. Nguyên liệu làm các món chay tương đối cầu kỳ, cách chế biến cũng đòi hỏi sự kỳ công nên nhiều người lựa chọn đặt hàng làm sẵn.
Thị trường vàng mã, những ngày này cũng bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm. Bà Lê Thị Tuyết, tiểu thương tại phố Hàng Mã - cho biết, giờ nhiều người không mua trước mà đợi sát ngày lễ mới mua sắm.
Còn bà Vũ Thị Vui, tiểu thương kinh doanh các loại vàng mã, đồ cúng tại chợ Mơ cho biết, năm nay kinh tế khó khăn chung, người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen mua sắm, lượng khách trong dịp này tăng nhưng mức tiêu dùng lại ít đi. Với đồ cúng, như các loại hương, nến, những sản phẩm thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ thiên nhiên được nhiều người chọn mua hơn./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-dang-hang-hoa-dich-vu-phuc-vu-thi-truong-ram-thang-7/304412.html