Đa dạng hình thức trải nghiệm cho trẻ

Hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho trẻ. Để phát huy tối đa hiệu quả, tránh việc tổ chức hoạt động trải nghiệm chỉ mang tính hình thức, gây tốn kém, hiện nay các phong trào workshop (một buổi hoặc một chuỗi hoạt động, ở đó các thành viên tham gia sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ về một chủ đề nhất định) ra đời giúp những người trẻ có cùng nhu cầu, sở thích giao lưu, học hỏi và trau dồi kiến thức.

Các em nhỏ hào hứng tham gia lớp học workshop làm đèn ông sao.

Các em nhỏ hào hứng tham gia lớp học workshop làm đèn ông sao.

Từ niềm đam mê, lòng nhiệt huyết muốn đem lại sân chơi bổ ích và những câu chuyện trong cuộc sống, những năm gần đây, hoạt động workshop diễn ra thường xuyên ở nhà riêng, văn phòng, quán cà phê… với chủ đề đa dạng, hướng đến những người trẻ năng động. Nhiều workshop đã được tổ chức và thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là các em nhỏ. Với mong muốn truyền cảm hứng cho những người có niềm đam mê vặn bóng nghệ thuật, chị Trần Thị Phượng, câu lạc bộ Luyện chữ đẹp Hoa học trò đã có ý tưởng tổ chức workshop. Chỉ với một vài quả bóng sắc màu, một chiếc bơm và sự khéo léo của đôi tay, chỉ sau vài phút, chị Phượng đã tạo nên một sản phẩm nghệ thuật từ bóng bay với những hình thù bắt mắt, ngộ nghĩnh, vui nhộn và có hồn. Vừa thoăn thoắt vặn bóng, chị Phượng vừa chỉ cho chúng tôi xem những vật dụng và kỹ thuật cơ bản khi làm bóng bay nghệ thuật. Vật dụng chỉ gồm bơm chuyên dụng, bóng chuyên dụng, kéo, băng dính, bút vẽ; trong đó, bóng là vật dụng quan trọng nhất. Có nhiều loại bóng, người làm dựa vào kinh nghiệm để chọn bóng phù hợp với sản phẩm mình định làm. Tiêu chuẩn chung của bóng là phải có độ dai, bền, màu sáng bóng, không bị xuống màu khi để lâu thì mới tạo được sản phẩm đẹp và đúng ý tưởng. Người chơi phải khéo léo khi xoắn bóng, không nên bơm bóng căng quá để dễ thực hiện các động tác vặn, xoắn tạo hình nghệ thuật cho bóng; nhưng quan trọng hơn cả là kinh nghiệm và sự khéo léo của đôi bàn tay, trí tưởng tượng, sáng tạo của người làm. Em Nguyễn Thái Hòa, học sinh Trường THCS Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định) cho biết: Tham gia lớp học workshop vặn bóng nghệ thuật, chúng em được trực tiếp thực hiện những kỹ năng, được hướng dẫn các động tác xoắn, uốn, vặn, cuộn các quả bóng nhỏ căng tròn lại với nhau để cho ra hình dạng các con vật, đồ vật dễ thương như: cây kiếm, thú nhỏ, bông hoa… Mới nhìn tạo hình bóng thì khó nhưng khi được các cô hướng dẫn các động tác cơ bản, nắm được kỹ năng thì thấy cũng rất đơn giản. Qua bộ môn nghệ thuật đầy tính sáng tạo và độc đáo này, em cảm thấy vui, thoải mái vì lớp học giúp em có thể vừa làm vừa vui đùa với những quả bóng đáng yêu. Không chỉ phục vụ các bạn nhỏ đến học sinh, sinh viên, nhiều bố mẹ có niềm đam mê cũng có thể đến trải nghiệm tự làm sản phẩm tại lớp học. Ngoài ra, để tăng trải nghiệm cho khách hàng, chị Phượng cũng nhận hợp đồng với các trung tâm, trường học... để mang sản phẩm đến và hướng dẫn học sinh trải nghiệm việc tự làm các sản phẩm theo từng chủ đề như trung thu, sinh nhật, tết...

Nhiều bậc phụ huynh lựa chọn những lớp học workshop như là một điểm đến để cùng con cái giải trí, thư giãn sau cả tuần làm việc, để các bé vừa chơi vừa học, hiểu được giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc. Biết thông tin về workshop làm đèn ông sao thông qua facebook, chị Hồng ở phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) đăng ký 2 mẹ con cùng 2 cháu nhỏ tham gia. Tỉ mỉ hướng dẫn các con tạo hình đèn ông sao, chị Hồng vừa kể cho các con nghe về Tết Trung thu của ngày xưa với những chiếc đèn lồng tự tay làm từ giấy màu thủ công, từ lon sữa… “Thời buổi hiện đại, nhiều giá trị cũng mất dần theo thời gian. Bởi vậy, tôi mong muốn thông qua những trải nghiệm này để nhắc nhở con cái. Bản thân tôi cũng như có một chiếc vé tìm về tuổi thơ, cùng các con làm đèn lồng, rước đèn, phá cỗ... Các con đều rất hào hứng khi cầm trên tay những chiếc đèn ông sao do chính mình làm ra”, chị Hồng cho biết thêm. Sau khi tham gia workshop làm đèn ông sao, em Trần Ngọc Hà, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Trước giờ em chỉ mua đèn lồng ngoài tiệm nên hôm nay khi được tự tay làm ra chiếc đèn ông sao, em thấy rất vui và háo hức. Trong lớp học workshop, em không chỉ học được sự kiên nhẫn, tỉ mỉ mà còn hiểu thêm về ý nghĩa văn hóa của đèn ông sao trong lễ hội Trung thu”. Còn đối với chị Nguyễn Hồng Lan, ở phường Quang Trung (thành phố Nam Định) các lớp workshop cũng phần nào giúp những phụ huynh như chị chia sẻ vấn đề bồi dưỡng tâm hồn trẻ. “Cuối tuần, không đủ điều kiện đưa con đi du lịch, đi chơi, vợ chồng tôi chuyển hướng tìm workshop phù hợp để con tham gia. Có thể, nội dung đó con không thích, không phải sở trường, nhưng tiếp cận một lần vẫn giúp con thêm hiểu biết, trải nghiệm. Cứ tích lũy từng chút như thế, hy vọng con sẽ phát triển kỹ năng sống song hành cùng kiến thức được học trong nhà trường, bớt đi thời gian vô bổ chìm đắm trong mạng xã hội, game”, chị Lan cho biết.

Không tốn quá nhiều chi phí và thời gian nhưng kết quả nhận được lại khi tham gia các buổi workshop giúp các bạn trẻ và phụ huynh hài lòng vì được trải nghiệm, được thỏa sức sáng tạo... Hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều lớp học workshop được mở ra tạo động lực giúp các bạn trẻ tìm được niềm hứng thú và phát triển năng khiếu của bản thân.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202410/da-dang-hinh-thuc-trai-nghiem-cho-tre-9bb1c60/