Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữTin khácSáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phongGia đình nhiều thế hệ: Lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đa dạng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho hội viên. Qua đó, giúp phụ nữ nâng cao hiểu biết pháp luật, tích cực tham gia phong trào, hoạt động hội.
Nhiều lần theo chân cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đi tuyên truyền ở các thôn vùng sâu, xa, biên giới, chúng tôi mới cảm nhận được sự tâm huyết, linh hoạt trong công tác PBGDPL của hội. Những chuyến công tác xuất phát từ sáng sớm, không kể địa bàn khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, cán bộ Tỉnh hội vẫn hoàn thành nhiệm vụ, để lại ấn tượng tốt đẹp, đưa pháp luật đến với hội viên.
Chị Hoàng Thị Nghé, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Liên Thôn 1, xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình cho biết: Ở xã vùng ba nên chúng tôi ít có điều kiện tiếp xúc với nhiều kênh thông tin pháp luật. Do đó, được cán bộ Hội LHPN tỉnh trực tiếp đến tuyên truyền vào ngày 19/7/2021 vừa qua về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chúng tôi đã hiểu biết hơn về bình đẳng giới trong các lĩnh vực, các dạng bạo lực gia đình, cách bảo vệ bản thân, cách liên hệ giúp đỡ khi bị bạo lực gia đình.
Bà Lê Thị Thơm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo – Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 141 nghìn hội viên phụ nữ. Để hội viên nâng cao hiểu biết pháp luật, các cấp hội phụ nữ đã triển khai nhiều hình thức PBGDPL như: tuyên truyền miệng thông qua các hội nghị, cuộc sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ (CLB); hoạt động hòa giải ở cơ sở; mạng xã hội; cấp phát tờ rơi, tài liệu pháp luật; cuộc truyền thông, hội thi, tọa đàm, giao lưu… Nội dung tập trung vào các quy định pháp luật liên quan đến phụ nữ như: bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; bảo vệ môi trường; phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội… Hằng năm, Hội LHPN tỉnh trực tiếp tuyên truyền, PBGDPL tại cơ sở, lựa chọn các thôn, xã của 11/11 huyện, thành phố với các nội dung phù hợp từng địa bàn.
Không chỉ cấp tỉnh, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đều quan tâm, thực hiện công tác PBGDPL cho hội viên. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức PBGDPL được hơn 2.400 cuộc, với hơn 58.200 lượt hội viên tham dự, cấp phát hơn 5.000 tờ rơi pháp luật. Ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, đến nay, toàn tỉnh có gần 200 tài khoản Facebook của các cấp hội, để kịp thời cập nhật nội dung PBGDPL, tuyên truyền các phong trào, hoạt động hội.
Nổi bật để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, Hội LHPN tỉnh còn ký kết, phối hợp với một số sở, ban, ngành tỉnh như: Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… Tiêu biểu như năm 2018, Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức hơn 100 hội nghị tuyên truyền kiến thức phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, mua bán người, pháo, vũ khí vật liệu nổ, công tác đảm bảo an ninh biên giới… thu hút hơn 7.800 hội viên phụ nữ các xã biên giới tham dự. Qua đó nâng cao kiến thức cho hội viên và Nhân dân, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.
Vừa đa dạng hình thức, các cấp hội phụ nữ vừa duy trì các mô hình PBGDPL thông qua các CLB. Hiện toàn tỉnh có hơn 300 mô hình, CLB như: Gia đình hạnh phúc; Bình đẳng giới – phòng, chống bạo lực gia đình; Truyền thông, tư vấn pháp luật; Phòng, chống mua bán người; Phòng, chống xâm hại trẻ em… Tùy theo điều kiện, các CLB sinh hoạt định kỳ theo tháng, quý, với các nội dung pháp luật đa dạng lồng ghép trong sinh hoạt. Chị Đinh Thị Hảo, Chủ nhiệm CLB phụ nữ với pháp luật, thôn Xóm Mới, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: CLB thành lập từ năm 2011, đến nay có hơn 50 thành viên. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt theo quý, mỗi quý lựa chọn 1 chủ đề để trao đổi, tuyên truyền. Tham gia CLB, chị em được tuyên truyền kịp thời các văn bản pháp luật, do đó, nhận thức được nâng cao, chị em chấp hành tốt pháp luật. Hằng năm, 100% gia đình hội viên trong CLB đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Có thể nói, bằng các hình thức đa dạng, mô hình hiệu quả, các cấp hội phụ nữ đã đưa pháp luật đến với hội viên. Qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ, góp phần thúc đẩy phong trào hoạt động hội. Đơn cử năm 2020, các cấp hội giúp đỡ thêm 1.740 hộ đạt các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” (trong đó có tiêu chí “gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”); hoàn thành hơn 270 phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới (vượt 37% chỉ tiêu); 100% cơ sở hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên…