Đa dạng hình tượng Mèo trong quan niệm các dân tộc trên thế giới
Đối với mỗi dân tộc, trải qua quá trình hình thành và phát triển đều lựa chọn 12 con giáp để làm tín ngưỡng thờ cúng của mình. Khác với nhiều con vật khác, thường là biểu tượng đẹp, của sức mạnh, sự oai phong, không chịu khuất phục (con hổ) hay siêng năng, chăm chỉ (con trâu)..., thì con mèo lại là con vật với đa dạng tính cách, biến ảo khôn lường. Không chỉ trên thế giới, mỗi đất nước lại có những quan niệm khác nhau về mèo, mà ở Việt Nam, cách nhìn nhận con vật này từ xưa tới nay cũng có cách nhìn đa chiều, không còn sự tương đồng.
Mèo trong tâm thức dân gian các dân tộc
Trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5-7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2 - tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa Xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.
Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.
Trong tâm thức sâu thẳm, người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người. Vì thế mà ở Ai Cập, hình ảnh con mèo đã xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống: Trên các loại đồ trang sức bằng vàng, trên cán cầm tay của chiếc gương soi của phụ nữ, hình vẽ trên khuôn mặt các xác ướp… và nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, anh ta sẽ coi đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.
Ở Ấn Độ, mèo tượng trưng cho kẻ khổ hạnh đi tìm phúc lạc.
Trong khi đó, người Trung Quốc thì tin rằng, con mèo là sứ giả của điềm lành. Nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này, người ta còn mô phỏng động tác của mèo trong các điệu múa cầu mong cho mùa màng.
Người Campuchia thường dùng mèo như vật dâng cúng (hoặc vị đại diện làm cầu nối) trong các lễ hội cầu mưa. Như vậy, ở đất nước Chùa Tháp, con mèo luôn được nhớ đến khi có hạn hán.
Trong thế giới đạo Phật, mèo bị xem là kẻ vô cảm, không biết xúc động. Về mặt này, nó bị gán cùng một giuộc với rắn - tinh quái và lạnh lùng - trong một số nền văn hóa phi Phật giáo.
Đạo Hồi dành cho mèo một vị trí của kẻ được trọng vọng, ngoại trừ mèo đen. Người Hồi giáo tin rằng, con mèo có bộ lông đen mượt (cùng với cặp mắt xanh lè) là kẻ có nhiều ma thuật.
Trong một vài nền văn hóa ở châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri. Mèo đặc biệt được quý trọng ở Bắc Mỹ. Tại đây, người ta coi mèo tượng trưng cho kẻ có chí lớn, biết cách đạt được mục đích. Vì thế, trong trường hợp mèo bị giết thì chỉ có “vì nhu cầu linh thiêng” mới biện hộ được. Nhưng ngay cả khi có đủ lý do để giết mèo, thì vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt những nghi thức được quy định chặt chẽ bởi cộng đồng, thậm chí là luật pháp.
Mèo trong văn hóa Việt Nam
Ở Việt Nam, trong 12 con giáp, con mèo là một trong 7 loài vật thường được con người nuôi và gần gũi với con người nhất. Loài mèo đã gắn bó với con người từ rất lâu đời, là một trong những loài vật được con người thuần chủng từ rất sớm. Do đó, trong tình cảm của con người, mèo là con vật rất thân thuộc và gần gũi. Hiện nay, mèo đã trở thành con vật cưng phổ biến nhất trên thế giới và trở thành người bạn thân thiết với trẻ em và người lớn. Con mèo có những đặc điểm nổi bật và ý nghĩa lớn trong văn hóa dân gian cũng như trong phong thủy.
Mèo là linh vật thứ 4 trong lịch Can Chi 12 con giáp ở Việt Nam. Loài mèo là biểu tượng cho lòng tốt, sự kiên trì, nhẫn nại, biết suy trước tính sau rồi mới bắt đầu làm một việc gì đó.
Loài mèo có đặc điểm là loài vật ưa sạch sẽ, thích nằm những chỗ ấm áp, thích sưởi nắng. Có bản tính cẩn thận, gọn gàng, nhanh nhẹn. Mèo thường săn mồi vào ban đêm nhờ đôi mắt xanh tinh anh nổi bật và hoạt động tốt nhất vào ban đêm, cùng với ưu điểm là chuyển động nhẹ nhàng, giỏi leo trèo và bộ lông mịn nên không tạo ra tiếng động lớn, dễ dàng tiếp cận và đánh bắt con mồi. Vào ban ngày, mèo thường nằm nghỉ ngơi, sưởi ấm, mèo thích sự yên tĩnh, xa vắng và kín đáo để nằm khoanh tròn, mắt lim dim, lừ đừ.
Và theo một lẽ tự nhiên, hình tượng con mèo đã đi vào thơ ca, ca dao, tục ngữ, trở thành hình ảnh trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học, ca nhạc. Những câu ca dao, tục ngữ có hình ảnh con mèo như: “Tiu nghỉu như mèo cắt tai”, “Mèo khen mèo dài đuôi”, “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm”, “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo”… Mỗi câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ đều có ý nghĩa liên hệ đến con người, nhằm mục đích căn dặn, nhắc nhở con người sống tốt, tận dụng những bản năng, đức tính tốt đẹp của con mèo.
Ở nước ta, ý nghĩa hình tượng con mèo trong văn hóa cũng được thể hiện qua các dòng tranh dân gian rồi đi vào văn hóa nghệ thuật. Trong tranh “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn.
Thế nhưng, hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.
Bên cạnh những ý nghĩa của mèo trong văn hóa dân gian, ý nghĩa tượng mèo trong phong thủy cũng được đề cao. Bắt nguồn từ hình ảnh mèo di chuyển mềm dẻo, kiên nhẫn và biết chờ thời cơ trước khi hành động, mèo được coi là loại linh thú cát tường có thể hóa giải sát khí, đem lại vận may cho gia chủ. Do đó, người ta thường hay trưng bày tượng con mèo trong nhà với mong muốn cầu mong điều tốt đẹp, tài lộc về cho gia đình. Mèo cũng có tác dụng tăng cường vận đào hoa. Nếu bài trí 2 con mèo tại hướng chính Đông của phòng ngủ, đường tình duyên sẽ có bước tiến triển tốt và thuận lợi.
Ngày nay, rất nhiều người ưa chuộng bài trí tượng mèo trong nhà để tăng cát khí cho gia chủ, đồng thời hút thêm may mắn, tài lộc. Đặc biệt, tượng mèo phong thủy rất phù hợp với những người sinh vào ngày Tuất thuộc hành Thổ, hay những người người sinh vào ngày Giáp Ất Mộc, ngày Dần Mão Mộc. Đặc biệt, những người tuổi mèo càng thích hợp đặt tượng linh vật này.
Trong con mắt người đời, con mèo lại có một cuộc sống hai mặt: là kẻ trưởng giả an nhàn nằm dài trên chiếc gối nệm, hiền lành dụi thân hình mềm mại khi được con người ve vuốt và là tên “sát thủ” đáng gờm trong góc nhà. Thế nhưng, chỉ họa hoằn lắm con người mới thấy được khía cạnh “sát thủ” của mèo khi nó tha con chuột, còn bình thường, nó chỉ là một chú mèo hiền lành, có phần lười nhác.
Nhưng cái gì cũng mang tính thời gian của nó. Hình tượng mèo không phải là bất biến, ngay cả khi nó phản ánh những giá trị văn hóa. Ngày nay, mèo lại đang được lòng những người trẻ tuổi ưa mạo hiểm và không bị câu nệ với những giá trị chuẩn mực. Không ít người trong giới trẻ, những người thích thú với thể hiện bản ngã, đã nhìn thấy ở con mèo một tượng trưng siêu việt của trí tuệ. Ngay cả hình tượng kẻ du đãng cũng không còn bị gán cho nghĩa xấu. Tại sao lại không thấy ở con mèo là một biểu tượng cho khát vọng của kẻ không chấp nhận sự an bài, yêu bản thân mình, thích sống theo cách mình muốn?
Và, cho dù là quan niệm nương theo truyền thống hay hiện đại, thì cách nhìn nhận về con mèo với đa tính cách, sự thông minh, nhanh nhẹn, biến ảo khôn lường cũng là những điều tích cực khiến cho người đời cần phải học hỏi và ngưỡng mộ.
Hà Lê (Tổng hợp)