Đa dạng hóa loại hình đào tạo
Trong bối cảnh giáo dục cả nước đang tích cực chuyển mình theo hướng mở, linh hoạt, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều bước đi thiết thực, hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên. Nhờ đó, công tác giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là đa dạng hóa các loại hình và quy mô đào tạo được mở rộng.

Giờ học Tin học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Sông Công.
Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện, cùng với mạng lưới 172 trung tâm học tập cộng đồng; 92 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục; 63 trung tâm kỹ năng sống tư thục...
Những năm gần đây, các đơn vị đã chủ động đổi mới phương pháp đào tạo, liên kết tổ chức dạy học với các trường cao đẳng, trung cấp, tạo điều kiện cho học viên học văn hóa song song với học nghề.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, các trung tâm đã quan tâm đa dạng hóa mô hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế của học viên; nâng cao chất lượng đội ngũ và đẩy mạnh truyền thông nhằm xây dựng xã hội học tập bền vững. Toàn tỉnh có 267 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, trong đó có 196 giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT.
Với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, tuyển sinh đầu cấp, nâng cao chất lượng dạy học, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên cốt cán, giáo viên dạy các môn văn hóa, cán bộ quản lý và cộng tác viên, nhằm đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học viên đúng quy định và đảm bảo nâng cao chất lượng dạy học chương trình GDTX cấp THPT.

Học sinh Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh trao đổi, thảo luận trong tiết học giáo dục kỹ năng sống.
Năm học 2024-2025, các đơn vị tuyển sinh 6.526 học viên vào học lớp 10 chương trình GDTX. Tổng số học viên học chương trình GDTX cấp THPT hiện là 15.692 học viên với 383 lớp học. Mô hình phối hợp giữa GDTX với GDNN đã bước đầu phát huy hiệu quả của công tác phân luồng và mở rộng cơ hội học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
Đặc biệt, trong xu thế chuyển đổi số toàn ngành, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trung tâm triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng phần mềm quản lý, dạy học trực tuyến, khai thác hệ thống học liệu số. Các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX tham mưu và được đầu tư nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học viên. Toàn tỉnh hiện có 157 phòng học và phòng chức năng; các trung tâm đều được trang bị đầy đủ phòng làm việc, phòng chuyên môn, sân chơi, hội trường… đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học.
Theo ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên, ngoài chú trọng nâng cao chuyên môn, các trung tâm quan tâm đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, trách nhiệm đi đôi với hiệu quả. Một số trung tâm đã thử nghiệm mô hình trung tâm GDTX mở, linh hoạt, hoạt động theo hướng thông minh, năng động, tiếp cận gần hơn với người học. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh nhằm đảm bảo nền nếp, kỷ cương và chất lượng giáo dục, đào tạo.

Tiết học tại Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình.
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục văn hóa trong hệ GDTX đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, toàn tỉnh có 2.962 học viên hệ GDTX dự thi, trong đó 2.919 học viên đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 98,55%. Đây là kết quả đáng khích lệ, khẳng định chất lượng giáo dục của hệ GDTX đang dần được nâng cao.
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành GD&ĐT Thái Nguyên tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, đẩy mạnh liên kết đào tạo, tăng cường đào tạo nghề kết hợp dạy văn hóa, phát triển mô hình học tập linh hoạt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển đội ngũ, quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và hợp tác với các trường đại học, tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài tỉnh để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả GDTX. Qua đó, khẳng định vai trò của GDTX trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202505/da-dang-hoa-loai-hinh-dao-tao-1c7279e/