Đa dạng hóa nguồn lực để sớm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Để thực hiện Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6/10/2024, Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024, Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 09/11/2024 và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025' của Chính phủ, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực thực hiện. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn đồng chí HOÀNG NAM - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này.

- Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết kết quả thực hiện chủ trương huy động nguồn lực thực hiện chương trình hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?

- Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết kết quả thực hiện chủ trương huy động nguồn lực thực hiện chương trình hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?

- Việc hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được triển khai thực hiện giai đoạn từ năm 2004-2021. Thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn lực của xã hội, toàn tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật,...); xây mới và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có công với cách mạng. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, hộ người có công đã được cải thiện về nhà ở, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, do nguồn lực huy động còn hạn chế, việc hỗ trợ trong giai đoạn trên chưa được triển khai một cách có hệ thống. Số hộ gia đình có nhà tạm bợ, dột nát chưa được hỗ trợ vẫn còn rất cao, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2022, trên phạm vi toàn tỉnh, số hộ gia đình chưa có nhà ở, hoặc nhà ở tạm bợ, hư hỏng mà không có khả năng tự xây dựng là 3.152 hộ nghèo (thiếu hụt gay gắt về nhà) và 1.186 hộ cận nghèo có nhà ở tạm bợ, hư hỏng, dột nát cần hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ngoài ra, do mức hỗ trợ thấp, chất lượng nhà ở được xây dựng không cao, cộng với ảnh hưởng của khí hậu thời tiết nên nhà ở của những người dân đã được hỗ trợ trước đây bị hư hỏng, xuống cấp nhanh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Quảng Trị khánh thành và bàn giao nhà Đại đoàn kết cho người dân trên địa bàn - Ảnh: T.LINH

Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Quảng Trị khánh thành và bàn giao nhà Đại đoàn kết cho người dân trên địa bàn - Ảnh: T.LINH

Với phương châm “Vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã sớm có chủ trương và chỉ đạo xây dựng đề án xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo, bảo đảm người nghèo có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống, UBND-UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Đề án “Vận động nguồn lực hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022- 2026” (Đề án 197) và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 70/NQ-HĐND ngày 18/10/2022.

Mục tiêu của đề án là huy động trên 217 tỉ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ xây mới 3.152 nhà ở cho hộ nghèo. Mức hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà vùng miền núi, dân tộc thiểu số và 60 triệu đồng/nhà ở các vùng còn lại.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND và UBMTTQVN tỉnh đã tích cực vận động các nguồn lực để triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí huy động để thực hiện các chương trình MTQG, Quỹ “Vì người nghèo”, ngân sách của tỉnh phân bổ trên 213,07 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng mới 3.752 nhà ở, sửa chữa 659 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở khác.

Riêng nhà ở theo Đề án 197 đã hỗ trợ xây dựng mới 1.860 nhà ở cho người nghèo với số kinh phí thực hiện trên 126,33 tỉ đồng (trong đó có 978 nhà ở được lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ các dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững). Bên cạnh đó từ năm 2021 đến nay, thông qua Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã hỗ trợ xây mới 677 nhà, sửa chữa 172 nhà ở của người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên 58,76 tỉ đồng.

- Trong quá trình triển khai thực hiện đã có những thuận lợi, khó khăn gì, đặc biệt là việc huy động các nguồn lực nào để thực hiện chương trình ý nghĩa này?

- Việc thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận các cấp và sự tham gia của cộng đồng trong huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của vùng, miền gắn với điều kiện thực tiễn và quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Vì vậy đã được các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, có tính chất lan tỏa rộng rãi không chỉ trong tỉnh mà còn đến các tỉnh thành trong cả nước, qua đó đã huy động được nguồn lực xã hội hóa thực hiện chương trình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu COVID-19 nền kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Trị tăng trưởng chậm. Các doanh nghiệp đang trong thời gian tái cơ cấu, vì vậy việc huy động xã hội hóa gặp khó khăn.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang thực hiện 2 chương trình MTQG có chính sách hỗ trợ về nhà ở gồm Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 90); hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định 1719). Tuy nhiên, tính chất về nguồn vốn hỗ trợ nhà ở của 2 chương trình khác nhau, Quyết định 90 là vốn sự nghiệp, Quyết định 1719 là vốn đầu tư phát triển. Bên cạnh đó chính sách hỗ trợ của 2 chương trình khác nhau. Quyết định 90 hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Quyết định 1719 chỉ hỗ trợ xây mới nhà cho hộ nghèo, bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ vay vốn và hỗ trợ đất ở. Từ đó tạo tâm lý lựa chọn chương trình để đăng ký tham gia cũng như so sánh chế độ hỗ trợ của đối tượng thụ hưởng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Lao Bảo -Ảnh: TÚ LINH

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hướng Hóa khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo trên địa bàn thị trấn Lao Bảo -Ảnh: TÚ LINH

Mặt khác, các chương trình MTQG thực hiện giai đoạn 2021-2025 nhưng vốn hỗ trợ nhà ở đến năm 2023 mới được triển khai thực hiện (kinh phí hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 90, năm 2023 mới được trung ương phân bổ; kinh phí hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 1719 năm 2022 đã phân bổ nhưng chưa có định mức hỗ trợ), vì vậy việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện gặp khó khăn. Mặt khác, yêu cầu của chương trình nhà ở là “sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng”, trong khi đó mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 30% chi phí xây dựng nhà, trong khi nguồn xã hội hóa không huy động kịp nên một số hộ gia đình không có khả năng huy động nguồn đã xin rút khỏi diện được hỗ trợ.

Ngoài ra, quá trình lập và thực hiện Đề án 197 diễn ra trong thời gian dài, vì vậy không thể tránh khỏi có những thay đổi, phát sinh trong và ngoài danh sách thuộc đề án đã được phê duyệt. Đa số các hộ được hỗ trợ làm nhà ở có điều kiện kinh tế khó khăn không có nguồn đối ứng, nhất là ở các địa phương vùng miền núi. Những vấn đề trên làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 197, cũng như việc lồng ghép hỗ trợ nhà ở từ các chương trình MTQG trong những năm qua.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp các địa phương tích cực rà soát và huy động các nguồn lực từ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Vì người nghèo, chương trình MTQG, nguồn vốn xã hội hóa đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để giúp các hộ khó khăn về nhà ở xóa được nhà tạm, nhà dột nát. Đặc biệt, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để xóa được nhà tạm, nhà dột nát. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và sự ủng hộ của Nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh, tổng kinh phí huy động hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ 2021 đến nay trên 271,83 tỉ đồng; trong đó: Chương trình MTQG gia giảm nghèo 49,9 tỉ đồng (chỉ tính số kinh phí đã giải ngân); chương MTQG phát triển triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 58,64 tỉ đồng (chỉ tính số kinh phí đã giải ngân của 2 chương trình); ngân sách tỉnh 12 tỉ đồng; nguồn xã hội hóa là 156,31 tỉ đồng (bao gồm cả nhà ở người có công với cách mạng 58,76 tỉ đồng...)

- Mặc dù chủ trương hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả quan trọng nhưng trên thực tế vẫn còn một số lượng lớn đối tượng cần có nhà ở. Đồng chí cho biết những giải pháp để hoàn thành kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo?

- Thống kê sơ bộ toàn tỉnh còn 7.167 hộ gia đình đang ở nhà tạm, nhà dột nát, trong đó: 2.883 nhà ở người có công với cách mạng (xây mới 349 nhà; sửa chữa 2.534 nhà), 4.284 nhà ở của hộ nghèo, cận nghèo (xây mới 2.193 nhà, sửa chữa 2.091 nhà) với tổng kinh phí ước trên 321,54 tỉ đồng. Thực hiện Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6/10/2024, Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024, Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9/11/2024 và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp, tổ chức huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của nhà nước để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, địa phương, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, quyết tâm hoàn thành tốt và nhanh chóng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh hoàn thành đúng tiến độ, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Trị; ban hành kế hoạch thực hiện chương trình và nhiều nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Theo đó, thời gian đến cần tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Thứ nhất, thực hiện dứt điểm công tác hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo đã được phê duyệt theo Đề án 197 trước quý II/2025; Rà soát và tổng hợp số liệu về nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà (hoàn thành trước 31/12/2024) để điều chỉnh, bổ sung Đề án 197; trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua Đề án 197 mở rộng và phân bổ vốn đối ứng thực hiện chương trình (hoàn thành trước ngày 30/1/2025). Triển khai hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc danh sách phê duyệt, hoàn thành trước ngày 2/9/2025.

- Thứ hai, chỉ đạo các địa phương tập trung, ưu tiên tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt trong toàn tỉnh việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thành lập ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương phù hợp với tình hình cụ thể (huyện, xã) do bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo, chủ tịch UBND cùng cấp làm phó trưởng ban chỉ đạo; thành viên là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các sở, ngành, cơ quan liên quan. Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo trước đó cần rà soát, hoàn thiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

- Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Để việc hỗ trợ đảm bảo chính xác, trong quá trình thực hiện phải quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện, đối tượng hỗ trợ làm cơ sở để tổ chức thực hiện.

- Thứ tư, đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở trên tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”, nguồn lực cố gắng từ chính các hộ gia đình.

- Thứ năm, chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục hướng dẫn, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết những vướng mắc trong thực hiện Đề án 197, thực hiện hỗ trợ nhà ở theo các chương trình MTQG để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ được giao.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/da-dang-hoa-nguon-luc-de-som-hoan-thanh-chuong-trinh-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-cho-ho-ngheo-190884.htm