Đa dạng hóa phương thức đào tạo nghề

Trước nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngày càng tăng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác nhau nhằm đa dạng loại hình đào tạo. Từ đó, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong những tháng đầu năm, do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Ông Nguyễn Văn Sảo, Phó trưởng phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo cho 8.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên trên 37%. Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, Sở đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tham gia các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố để tư vấn, tuyển sinh. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trực tiếp tại địa phương chú trọng đối tượng lao động nông thôn; đào tạo tập trung tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo gắn với thị trường lao động và đào tạo theo địa chỉ.

Sinh viên lớp Trung cấp Điện K16A, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quangtrong một buổi thực hành.

Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện đã tăng cường công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các đối tượng là lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các huyện đã triển khai đào tạo nghề theo hướng đa dạng như: Huyện Na Hang chú trọng dạy nghề gắn với phát triển du lịch và chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” như: Mây tre đan, trồng rau sạch, nuôi cá lồng, hướng dẫn du lịch; huyện Sơn Dương đẩy mạnh liên kết với các trường để đào tạo nghề theo địa chỉ; huyện Yên Sơn tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho học viên...

Theo ông Trần Văn Bút, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương, đơn vị đã đẩy mạnh liên kết với các trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng, trường Cao đẳng Công nghệ thực phẩm - Bộ Công thương và các cơ sở giáo dục khác tuyển sinh và đào tạo được 27 lớp đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp cho 901 học viên với các ngành nghề như: Công nghệ ô tô; Điện lạnh; trồng chè hữu cơ, lúa hữu cơ, măng tây, chanh Nhật... Hiện đã có 135 học viên tốt nghiệp trung cấp năm 2020 và được các doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người trở lên. Đối với học viên là lao động nông thôn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trung tâm đã tổ chức đào tạo ngay tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn và các vùng lân cận tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên sau đào tạo. Một số học viên sau khóa học đã mở trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tự tạo việc làm có thu nhập ổn định.

Tốt nghiệp lớp Điện Công nghiệp K11, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang năm 2018, em Trần Văn Kiên, xã Vĩnh Lợi, Sơn Dương hiện đã mở cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh của riêng mình. Kiên chia sẻ, học xong cấp III em đăng ký học nghề điện mong rằng ra trường có thể tìm được công việc ổn định. Trong quá trình học em được thực hành nhiều, được các thầy cầm tay chỉ việc từ những chi tiết nhỏ nên khi làm thực tế em không còn bỡ ngỡ. Sau thời gian làm thuê, tích góp được vốn, em đã mở được cửa hàng riêng cho mình. Ngoài ra, hiện nay cửa hàng còn tạo được việc làm cho 2 lao động với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng trở lên.

Trong những năm gần đây, không ít cơ sở đào tạo nghề không tuyển được người học, nhiều cơ sở đang đứng trước khó khăn. Trước tình hình đó, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã mở thêm ngành nghề đào tạo mới như: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ thông tin, Kinh doanh thương mại, Quản lý và kinh doanh nông nghiệp, Chăn nuôi - Thú y... Không chỉ đào tạo tại trường, đơn vị còn liên kết đào tạo tại các Trung tâm thực hiện đào tạo tại chỗ, đào tạo theo hợp đồng gắn với bố trí việc làm cho người học; phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh xác định các chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ. Nhà trường cũng chuyển đổi đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Với cách đào tạo này, trên 82% học sinh, sinh viên của nhà trường sau tốt nghiệp có tay nghề vững, được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Đến nay, công tác đào tạo nghề toàn tỉnh đã đạt trên 61% chỉ tiêu kế hoạch năm. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề. Từ đó, giúp giải quyết được việc làm tại chỗ, tạo thu nhập, nâng cao đời sống người lao động.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/nguon-nhan-luc/da-dang-hoa-phuong-thuc-dao-tao-nghe-135770.html