Đa dạng mô hình Tổng Thư ký

Trong hầu hết các mô hình hành chính nghị viện dù là đơn viện hay lưỡng viện, Tổng Thư ký cho mỗi viện đều là đại diện cao nhất của cơ quan hành chính và chịu trách nhiệm trước các quan chức chính trị cao nhất của nghị viện.

Có một số trường hợp ngoại lệ chẳng hạn như Nghị viện Áo, Fiji, Nam Phi và Liên bang Thụy Sĩ có một Tổng Thư ký chung cho cả hai viện. Một trường hợp ngoại lệ khác là Nghị viện Nepal. Tại đây, ngoài một tổng thư ký chịu trách nhiệm về các phiên họp chung của hai viện cũng như toàn bộ công việc hành chính của Nghị viện, còn có thư ký cho mỗi viện.

Tổng Thư ký Nghị viện châu Âu Klaus Welle

Tổng Thư ký Nghị viện châu Âu Klaus Welle

Nguồn: ITN

Pháp và Uruguay lại là mô hình đặc biệt khác. Nét đặc trưng của bộ máy hành chính Nghị viện Pháp là chế độ hành chính lưỡng đầu. Nghĩa là có hai người đứng đầu bộ máy hành chính ở mỗi viện. Hạ viện và Thượng viện đều có hai Tổng Thư ký; trong đó, một người chịu trách nhiệm về các dịch vụ lập pháp và người kia chịu trách nhiệm về các dịch vụ hành chính. Tổng thư ký lập pháp đảm nhiệm việc trợ giúp cho hoạt động chuyên môn của nghị viện (còn được hiểu là Tổng Thư ký về nội dung). Lập pháp ở đây không có nghĩa là làm luật, mà có nghĩa là hoạt động của cơ quan lập pháp (khác với hoạt động của cơ quan hành pháp). Hoạt động lập pháp ở nghĩa này bao hàm các công việc như tiến hành phiên họp toàn thể, hoạt động của các ủy ban, chất vấn, điều trần, biểu quyết… Tổng Thư ký về lập pháp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hạ viện (hoặc Chủ tịch Thượng viện). Tổng Thư ký về hành chính đảm nhiệm việc bảo đảm các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ hành chính cho Nghị viện. Tổng thư ký hành chính chịu trách nhiệm trước 3 quản trị viên. Các quản trị viên này đều là các nghị sĩ và được Nghị viện bầu. Mọi chủ trương chính sách liên quan đến chuyện tiền và cơ sở vật chất của Nghị viện chủ yếu do các quản trị viên quyết định. Tổng Thư ký về hành chính chỉ là người chịu trách nhiệm thi hành các công việc cụ thể.

Chế độ hành chính lưỡng đầu của Pháp được đánh giá là có những ưu việt nhất định nhưng cũng có những bất cập. Về nguyên tắc, mọi bộ máy hành chính, cho dù là hành chính nghị viện đều hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Sự tồn tại của “hai thủ trưởng” có thể dẫn đến những mệnh lệnh hành chính trái nhau, gây khó khăn cho quá trình thực thi mệnh lệnh. Bên cạnh đó, sự phân chia công việc thành hai mảng lập pháp và hành chính không phải bao giờ cũng dễ dàng. Sẽ có những mảng có sự chồng lấn nhất định và việc định rõ thuộc thẩm quyền của tổng thư ký nào có thể sẽ gây ra những rắc rối trong chỉ đạo điều hành.

Tổng Thư ký, trong hầu hết các mô hình hành chính nghị viện đều là đại diện cao nhất của cơ quan hành chính và chịu trách nhiệm trước các quan chức chính trị cao nhất của cơ quan đó (thường là Chủ tịch Nghị viện hoặc ban lãnh đạo Nghị viện). Chủ tịch Nghị viện đưa ra các chính sách và hướng dẫn cho Nghị viện thông qua Tổng Thư ký.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-phap-nghi-vien/da-dang-mo-hinh-tong-thu-ky-i272090/