Đa dạng rau màu phục vụ tết

Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cận kề, nhiều hộ nông dân Kiên Giang đang tập trung xuống giống, chăm sóc nhiều loại rau màu để phục vụ nhu cầu thị trường.

Những ngày cuối năm, các hộ trồng rau màu ở vùng đệm huyện U Minh Thượng tất bật chăm bón rau màu các loại, chuẩn bị bán dịp tết. Tại ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc có hơn 10ha rau màu được trồng để đón thị trường thị tết, trong đó phổ biến nhất là khổ qua.

Một số hộ dân trồng màu cho rằng, nhiều người quan niệm ngày tết ăn khổ qua cho “qua cái khổ” nên hầu như nhà nào cũng có nồi khổ qua hầm ngày tết. Xuất phát từ quan niệm này mà khổ qua luôn là mặt hàng bán được giá trong dịp tết đến, xuân về.

Anh Tăng Văn Sơn, ngụ ấp kênh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng đang chăm sóc rẫy khổ qua.

Anh Tăng Văn Sơn, ngụ ấp kênh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng đang chăm sóc rẫy khổ qua.

Lui cui bón phân cho rẫy khổ qua xanh mướt bắt đầu cho trái lác đác, anh Tăng Văn Sơn, thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc cho biết: “Khổ qua là mặt hàng thường bán được giá dịp tết nên tôi trồng nhiều. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm một số loại rau ăn lá như hẹ, tía tô, xà lách. Với diện tích 5 công đất này, năm ngoái tôi bán tết thu lãi gần 50 triệu đồng. Năm nay mong rau màu trúng mùa, trúng giá để ăn tết sung túc”.

Theo anh Nguyễn Văn Đan - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, đón thị trường tết, năm nay toàn hợp tác xã có 40 hộ trồng rau màu. Mặt hàng được người dân trồng phổ biến nhất là khổ qua, đậu đũa, hẹ…

24 năm trồng màu, cứ đến cận Tết Nguyên đán, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Trọng, ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc lại xuống giống hẹ và đu đủ trên diện tích hơn 4 công đất. Anh Trọng nói: “Để kịp bán tết, tôi đã trồng hẹ từ vài tháng trước. Hẹ là loại rau ăn lá trồng mau ăn và cho thu hoạch trong thời gian dài. Hiện mỗi ngày tôi thu hoạch 50-70kg hẹ bán giá 15.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so tháng trước. Dự kiến hẹ vẫn cho thu hoạch ổn định kéo dài đến tết”.

Nhằm đa dạng mặt hàng phục vụ thị trường tết, anh Trọng trồng thêm 300 gốc đu đủ. Theo anh Trọng, đu đủ là loại trái cây không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày tết với mong muốn năm mới đủ đầy, sung túc nên được nhiều người tìm mua dịp cận tết. Ngoài ra, do đầu năm đu đủ rớt giá khiến nhiều hộ thua lỗ, từ đó ít người mặn mà trồng khiến năm nay đu đủ ít nguồn cung, có giá hơn.

Gia đình của anh Nguyễn Văn Bình, ngụ khu phố Vĩnh Viễn, phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá có hơn 2.000m2 đất chuyên trồng rau màu. Mấy ngày qua, anh và gia đình tranh thủ làm đất để trồng vụ rau phục vụ thị trường tết. Theo anh Bình, đây là vụ rau màu chính trong năm, thuận lợi về thời tiết lại được giá.

Chị Nguyễn Thị Thắm, ngụ ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất phấn khởi vì kiệu đang tăng giá.

Tại những cánh đồng kiệu xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất hơn 1 tuần nay, thương lái luôn túc trực sẵn tại các bờ kênh, đợi nông dân thu hoạch kiệu xong vận chuyển ra đường sẽ cân và đem tiêu thụ. Theo các thương lái, do nhu cầu tiêu thụ những ngày cận tết nhiều nên giá kiệu liên tục tăng. Hiện kiệu được bán tại ruộng giá 21.000-22.000 đồng/kg, tăng 5.000-6.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022.

Chị Nguyễn Thị Thắm, ngụ ấp Sơn Thuận, xã Mỹ Thuận đang thu hoạch 6 công đất trồng kiệu tết. Chị Thắm nói: "Năm nay, thời tiết không thuận lợi cho kiệu phát triển, giá phân bón, chi phí nhân công tăng, nhưng bù lại kiệu bán được giá cao nên tính ra mỗi công lời khoảng 15 triệu đồng. Gần tết mà kiệu được giá, bà con ai cũng phấn khởi”.

Hòn Đất là vùng trồng kiệu tết nhiều nhất trong tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích khoảng 150ha. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất Dương Huy Bình cho biết, kiệu tết được nông dân trồng tập trung tại các xã Mỹ Hiệp Sơn, Mỹ Thuận, Mỹ Thái; năng suất kiệu ước đạt 3-3,5 tấn/ha, có nơi trúng đạt 5 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Tám, ngụ ấp Nguyễn Văn Rỗ, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng chăm sóc cải xà lách.

Để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp tết, mỗi năm, ngành nông nghiệp huyện Giồng Riềng luôn khuyến khích các hộ dân sống nghề trồng rau màu tăng cường trồng thêm bắp, xà lách, rau thơm… Các hội, đoàn thể tranh thủ nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ các hộ vay mua giống, phân, phát triển sản xuất, tăng thu nhập dịp Tết Nguyên đán.

Có thâm niên trồng rau bán dịp tết, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tám, ngụ ấp Nguyễn Văn Rỗ, xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng thường gieo sạ gần 500m2 đất rẫy các loại cải, xà lách, rau thơm… Ông Tám chia sẻ: “Tết năm nào, tôi cũng trồng rau màu bán cho thương lái và bán lẻ cho người dân trong xã. Tết trồng rau màu vừa có thêm nguồn tiền chi tiêu, mua sắm, vừa thấy không khí tết vui hơn”.

Kỹ sư Nguyễn Thị Hậu - Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang khuyến cáo nông dân cần lựa chọn các loại giống rau màu khỏe mạnh, kháng lại một số loại bênh hại, có xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch thực vật. Người trồng cần tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ oai mục. Vì rau xanh có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, do đó, khi gần thu hoạch 15 ngày, nông dân không nên bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh lưu tồn thuốc, đảm an toàn cho người sử dụng.

Bài và ảnh: VIỆT AN - THÚY ANH - HẢI ĐĂNG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/da-dang-rau-mau-phuc-vu-tet-12230.html