Đa dạng sinh học – tương lai của sự sống - Bài 1: Vốn quý thiên nhiên ban tặng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam xếp thứ 14 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái và nguồn gen khác nhau.

Khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Hưởng ứng lời kêu gọi "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái" của Liên hợp quốc, cùng với việc tham gia Công ước toàn cầu về Đa dạng sinh học, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện các hoạt động bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học ở cấp quốc gia, địa phương cũng như cộng đồng.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết: "Đa dạng sinh học – tương lai của sự sống".

Bài 1: Vốn quý thiên nhiên ban tặng

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau, bao gồm núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển. Hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật của Việt Nam có tính đặc hữu.

Tiềm năng dồi dào, phong phú

Theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có 3 nhóm hệ sinh thái phổ biến là hệ sinh thái đất ngập nước (gồm đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển) và hệ sinh thái biển. Với đặc thù địa hình trải dài từ Bắc vào Nam và đường bờ biển dài tạo nên các vùng sinh cảnh phong phú cho Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết đến năm 2023, cả nước có 178 khu bảo tồn thiên nhiên; trong đó, có 34 Vườn quốc gia, 59 Khu dự trữ thiên nhiên, 23 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 62 Khu bảo vệ cảnh quan.

Tính đến nay, Việt Nam có 9 Khu Ramsar; 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; 12 Vườn di sản ASEAN - đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quốc tế tuyến đường bay Australia - Đông Á (EAAFP); 101 khu vực đa dạng sinh học quan trọng.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 7 vùng chim đặc hữu.

Đặc biệt, về hệ động thực vật, Việt Nam có khoảng 62.600 loài sinh vật đã được xác định; trong đó khoảng 3.500 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 1.932 loài động vật có xương sống trên cạn và có trên 11.000 loài sinh vật biển. Hằng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện và ghi nhận có tồn tại.

Bên cạnh hệ sinh vật tự nhiên, Việt Nam là một trong các trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới gồm hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng và khoảng 887 giống vật nuôi. Số lượng loài đề xuất đưa vào Sách Đỏ Việt Nam tăng lên cho thấy rất nhiều quần thể loài hoang dã có nguy cơ suy giảm về số lượng cá thể, kích thước quần thể và nơi cư trú.

Diện tích rừng cũng ngày càng tăng lên. Năm 1995 (ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Đa dạng sinh học), độ che phủ rừng chỉ đạt 28,2%; đến nay là 42,02%.

Ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học – nhiệm vụ cấp bách

Đa dạng các loài chim tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Đa dạng các loài chim tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn chia sẻ, theo nghiên cứu của Diễn đàn Chính sách - Khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, 75% diện tích mặt đất bị biến đổi đáng kể, 66% diện tích đại dương đang chịu tác động tích lũy ngày càng tăng và hơn 85% diện tích đất ngập nước đã bị mất đi, làm suy giảm nhanh chóng các dịch vụ hệ sinh thái mà thiên nhiên cung cấp cho con người, 25% số loài được đánh giá đang bị đe dọa. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Các chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) nhận định giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam đang xuống cấp và thoái hóa. Bà Phạm Minh Thảo, Giám đốc Phát triển Chương trình (WWF Việt Nam) cho rằng, việc giảm giá trị của hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng nhiều đến các chuỗi cung ứng thực phẩm, năng lượng, cơ sở hạ tầng, vận tải, hậu cần cũng như cuộc sống của người dân. Một hiện tượng đáng lo ngại là “rừng rỗng”, nghĩa là vẫn có rừng, có độ che phủ rừng nhưng dưới tán rừng không có muông thú và sự đa dạng về thành phần loài, quần thể loài cũng suy giảm.

Trải qua nhiều thập kỷ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến nhiều loài động thực vật bị đe dọa, 28% loài có vú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Kết quả điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh tại Việt Nam giai đoạn 2019-2023 cho thấy quần thể nhiều loài động vật rừng quan trọng không được ghi nhận và có thể đã suy giảm do việc bẫy bắt cconf phổ biến trên diện rộng. Theo các chuyên gia bảo tồn thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên, đây là đợt khảo sát về đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh hệ thống và toàn diện nhất từng được thực hiện tại Việt Nam. Hoạt động thuộc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học - Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Dự án đã thiết lập 1.176 điểm bẫy ảnh tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố; thu được hơn 120.000 phát hiện độc lập động vật trong hàng triệu hình ảnh mà bẫy ảnh chụp. Đáng chú ý là việc không ghi nhận được hình ảnh của các loài động vật ăn thịt lớn và động vật ăn cỏ như hổ, báo gấm, sói lửa và sao la - một trong số ít loài thú lớn được phát hiện trong 50 năm qua. Bẫy ảnh chỉ ghi nhận được quần thể voi châu Á tại 2 khu vực dự án và loài thú móng guốc lớn như bò tót tại 1 khu vực dự án. Phần lớn những loài được ghi nhận là những loài có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực săn bắt như các loài khỉ, chồn bạc má và lợn rừng.

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học nhấn mạnh, lần đầu tiên Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên có dữ liệu để xác nhận quần thể động vật hoang dã của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Bây giờ là “thời điểm vàng” để bắt đầu một chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia nhằm tái hoang dã các khu bảo tồn, đồng thời duy trì và tăng cường các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là giảm nạn bẫy bắt động vật.

Báo cáo đa dạng sinh học quốc gia năm 2021 đã chỉ ra, bất chấp các nỗ lực bảo tồn, xu hướng suy thoái và suy giảm đa dạng sinh học vẫn diễn ra ở tất cả các loại hình hệ sinh thái. Việc thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến suy giảm sự phong phú các loài, kéo theo xu hướng gia tăng nguy cơ tuyệt chủng loài với tốc độ ngày càng cao và giảm khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho con người.

Theo bà Phạm Minh Thảo, nguyên nhân gây ra suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam chủ yếu do gia tăng dân số và áp lực của việc chuyển đổi sử dụng đất; khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, bất hợp pháp và buôn bán trái phép tài nguyên sinh vật, các loài hoang dã và sản phẩm của chúng; tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ô nhiễm môi trường. Nhìn từ công tác quản lý, hệ thống chính sách, pháp luật còn phân tán, thiếu đồng bộ, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Nhận thức và ý thức của các cấp, các ngành, người dân về bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế...

Bài 2: Bảo tồn gắn với tăng trưởng xanh

Hoàng Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/da-dang-sinh-hoc-tuong-lai-cua-su-song-bai-1-von-quy-thien-nhien-ban-tang-20240520071253895.htm