Công phu nghề nuôi 'ông hổ mang'
Hiện nay, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã được pháp luật cho phép với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm áp lực lên các quần thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên, hỗ trợ công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã thông qua việc duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý, hiếm. Rắn, cầy, nhím, don... là những loài phổ biến đang được các hộ dân gây nuôi.
Đến thăm các trại nuôi rắn, cầy ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), chúng tôi được dịp tìm hiểu về nghề nuôi “ông hổ mang” đặc biệt này.
20 năm “chơi” với rắn hổ mang
Trang trại chăn nuôi của vợ chồng anh Trần Văn Hòa ở thôn 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội có quy mô khá lớn và chia làm nhiều khu nuôi gà, vịt, lợn, rắn. Trong đó có một khu đặc biệt được xây dựng kiên cố, lắp cửa lưới lớp trong lớp ngoài. Đó chính là đại bản doanh của gần 3 nghìn “ông hổ mang”.
Đưa chúng tôi đến thăm cơ cở nuôi rắn của anh Hòa, ông Đoàn Công Linh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 5, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết Phụng Thượng hiện đang là địa phương có nhiều hộ được cấp đăng ký nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã theo quy định, phổ biến là rắn, cầy.
Đến nay, anh Hòa đã có thâm niên 20 năm nuôi rắn hổ mang. Ngày nào cũng chăm sóc, cho ăn, chơi với rắn nên với anh loài bò sát này quen mặt hơn cả những vật nuôi khác. Từ những con rắn hổ mang “thiếu nhi” đầu tiên anh mua giống về chỉ bé như chiếc đũa, đến nay mô hình nuôi rắn của anh đã mở rộng quy mô. Kinh nghiệm nuôi rắn được anh chia sẻ: “Khi rắn bé thì nuôi theo đàn, tầm 30 con vào một khu. Thức ăn, nước uống phải bảo đảm vệ sinh. Khay nước, khay thức ăn phải được cọ rửa, phơi khô trước khi cho ăn đợt mới. Rắn thích ăn thịt gà con và cóc. Khi rắn còn nhỏ thì gà con phải làm sạch lông, luộc chín, băm nhỏ, cho vào đĩa cho rắn ăn. Cứ như vậy đều đặn mỗi tuần 2 bữa”.
Sau một năm, rắn có trọng lượng khoảng 200-300 gr. Lúc này không thể nuôi theo đàn được nữa mà phải tách riêng mỗi con một chuồng. Khu chuồng trại nuôi rắn của anh Hòa vì thế phải xây ngăn đến vài nghìn ô chuồng mới đủ chỗ ở cho dân số đàn rắn. Mỗi ô chuồng có kích thước rộng 80 cm, sâu 1,5m, cao 10 cm và lắp cửa lưới 2 lớp để rắn không thoát ra ngoài. 2 dãy chuồng nuôi rắn con và rắn to nằm biệt lập, lại có thêm 2 lớp cửa kiên cố nữa để đảm bảo rằng những con hổ mang dữ tợn không thể thoát ra ngoài. Nền chuồng được tráng xi măng và rải một lớp đất khô giằm nhỏ. Loài rắn ưa môi trường sạch sẽ nên phải thường xuyên dọn chuồng. Rắn càng lớn thì lượng thức ăn tăng dần lên. Khi rắn to rồi thì có thể nuốt cả con gà con. Mỗi tuần vẫn là 2 bữa nhưng khẩu phần mỗi bữa cho mỗi con rắn đã tăng thành 3 gà con. Từ khi tách chuồng, nuôi thêm khoảng 2 năm nữa rắn mới trưởng thành, trọng lượng khoảng hơn 1 kg và có thể sinh sản.
Bí quyết phân biệt rắn đực hay rắn cái được anh Hòa áp dụng bao nhiêu năm nay, đó là con đực đuôi thường to, con cái đuôi bé. Người nuôi rắn kinh nghiệm còn phải nắm được chu kì sinh sản của rắn để phối giống và đưa vào ấp trứng rắn. Mỗi năm rắn cái trưởng thành chỉ đẻ 1 lần. Chùm trứng có số lượng từ 20-30 quả trắng phau, cỡ như quả trứng gà nhỏ. Trứng rắn được đem ấp theo hình thức vùi vào cát khô, sau khoảng 55 ngày sẽ nở. Hiện tại anh Hòa đang ấp hàng nghìn quả trứng để cho ra rắn giống.
Các hộ nuôi rắn ở Phụng Thượng như anh Hòa có thể bán rắn giống, trứng rắn hoặc rắn trưởng thành làm thực phẩm, chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc. Theo anh Hòa, thời kì được giá, 1 kg thịt rắn có giá vài trăm ngàn đồng. Nếu có đầu ra ổn định, mỗi năm gia đình anh thu nhập vài trăm triệu đồng từ nghề nuôi “ông hổ mang”.
Mạnh dạn với mô hình mới
Không chỉ ở Phụng Thượng, mà ở các địa phương khác của huyện Phúc Thọ cũng đang đẩy mạnh mô hình chăn nuôi động vật hoang dã. Gia đình chị Kiều Thị Hải Yến ở thôn 1, xã Tích Giang hiện đang gây nuôi cầy vòi mốc sinh sản với số lượng 75 con. Khu chuồng trại chăn nuôi được nhà chị Yến đầu tư xây dựng hiện đại với mấy chục lồng sắt được đặt trên bệ cao thoáng và thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại. Trong phòng nuôi cầy còn lắp quạt trần, hệ thống phun sương để làm mát vào mùa hè.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Công Linh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 5 cho biết: “Không giống với hoạt động gây nuôi rắn đã có từ lâu, gây nuôi cầy vòi mốc là mô hình mới được người dân ở địa phương mạnh dạn áp dụng khoảng 2 năm nay. Do đặc điểm giống loài, việc nuôi cầy vòi mốc đòi hỏi phải đầu tư chi phí cao hơn để mua con giống cũng như xây dựng chuồng trại”.
Quá trình chăm sóc cầy lại có những đặc thù: “Cầy vòi mốc ăn cháo và chuối chín. Nếu loài rắn mỗi tháng chỉ ăn 8 bữa thì đối với cầy ngày nào cũng phải cho ăn vài ba bữa. Cháo phải để nguội, đổ ra khay chia vào các chuồng. Chuối phải cắt lát. Bữa nào xong phải rửa khay sạch sẽ, phơi khô. Hằng ngày phải cọ rửa chuồng trại để đảm bảo vệ sinh, hạn chế việc đàn cầy bị nhiễm bệnh. Nhà tôi vì thế lúc nào cũng phải có người ở nhà theo dõi đàn cầy sát sao”, chị Yến chia sẻ.
Theo chị Yến, nuôi cầy sinh sản khó nhất là việc ghép cặp, vì không phải cặp cầy nào ghép đôi cũng hợp nhau. Khi không thể chung sống hòa bình, chúng có thể tấn công lẫn nhau và phải tách ra ghép với con khác. Khâu quan trọng là phải chú ý quan sát để nắm được diễn biến để thay đổi “dân số” trong chuồng. Khi cầy cái mang thai thì sẽ tách ra nuôi riêng. Mỗi năm cầy chỉ đẻ một lứa. Hiện tại, một cặp cầy sinh sản được chị Yến bán với giá vài chục triệu đồng.
Nhọc nhằn nghề nuôi động vật hoang dã
Bước vào khu nuôi rắn của anh Hòa, chúng tôi bỗng thấy nổi da gà trước loài vật dữ dằn này. Thấy người lạ, hàng loạt “ông hổ mang” từ các chuồng ngóc đầu và phun nọc độc phì phì qua lớp cửa lưới. Riêng anh Hòa thì đã quá quen, vẫn tiến đến gần các chuồng lia đèn pin kiểm tra. Lấy chiếc gậy có móc sắt, anh mở cửa chuồng kéo một con hổ mang to ra ngoài và dùng tay bắt rắn nhẹ nhàng như không.
Anh bảo: “Đây là loại rắn có nọc độc. Tuy rắn đã quen chủ nhưng với tập tính của loài thì việc rắn phun nọc độc là chuyện hết sức bình thường. Có lần bị rắn phun nọc vào mắt, tôi đau rát, phải ngụp mặt vào chậu nước, mắt đảo qua đảo lại cho dịu cơn đau. Khủng khiếp nhất là năm 2012, con rắn cắn vào ngón tay tôi. Tôi lấy dây chun quấn vào cánh tay và tức tốc ra Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng, vết cắn quá sâu, nọc độc khiến ngón tay trỏ của tôi hoại tử dần, phải cắt bỏ”, vừa kể anh vừa xòe bàn tay phải đã cụt mất ngón trỏ để “khoe” với chúng tôi về chiến tích nuôi rắn. Trên hai bàn tay anh còn dấu tích của những vết cắn khác. Vợ anh cũng từng bị rắn “hỏi thăm” vào đầu. Bởi vậy, quanh khu chuồng rắn, anh để dây chun khắp nơi để phòng tình huống bất trắc có thể kịp thời sơ cứu.
Có mục sở thị trang trại nuôi rắn mới thấy nghề gây nuôi “ông hổ mang” cũng lắm công phu và không ít nhọc nhằn. Lúc rắn bé nuôi khó vì rắn dễ bị bệnh tiêu hóa, phải định lượng thức ăn vừa đủ để rắn phát triển và ít mắc bệnh. Lúc lớn thì rắn hay bị viêm phổi, một đoạn cơ thể phình ra và rắn sẽ chết nhanh. Chuồng rắn phải luôn giữ ở dưới 30 độ C, hôm nào nóng quá phải bật quạt thông gió, bật hệ thống phun nước làm mát, giữ chuồng sạch sẽ để rắn ít nhiễm bệnh.
Vừa dọn những đoạn xác rắn vương đầy ở các chuồng, anh Hòa vừa giải thích: “Cứ khoảng 1,5 tháng rắn lột xác một lần. Sau mỗi lần lột xác, con rắn sẽ dài và to thêm. Đợt trước xác rắn cũng là một mặt hàng có thể bán được với giá 150 nghìn đồng/kg nên tôi hay gom lại để bán. Nhưng, đợt này thì rẻ như cho nên tôi chả gom nữa, đổ ra vườn để bón cây”.
Những người nuôi rắn như anh Hòa lo nhất là đầu ra. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, việc nuôi rắn ở Phụng Thượng khá phổ biến để xuất bán trứng rắn, rắn lấy thịt. Nhưng, khi dịch bệnh ập đến, không có nơi thu mua nên nhiều hộ đã bỏ nghề vì không chịu được chi phí mua thức ăn, chăm sóc, dọn chuồng trại. Anh Hòa là một trong số những người kiên trì bám trụ trong trạng thái cầm cự. Sau dịch đến nay, thị trường thu mua rắn dần ổn định trở lại. Anh chia sẻ, có thời điểm trứng rắn rẻ như bèo, 1-2 nghìn đồng/quả. Trong khi giá lúc cao nhất có thể lên tới 60-70 nghìn đồng/quả. Khi rắn đẻ trứng dù đêm hôm vẫn phải thức canh để lấy trứng ra đem ấp, nếu không rắn mẹ có thể làm nát hết bọc trứng trong chuồng.
Gây nuôi động vật hoang dã là một nghề đặc thù đã và đang mang lại sinh kế cho người dân. Để hoạt động này phát triển bền vững và an toàn, ngành kiểm lâm khuyến cáo các cơ sở gây nuôi phải chấp hành quy định về nguồn gốc của động vật, quy định khi xuất bán các sản phẩm của động vật hoang dã. Phải chú trọng về tìm hiểu các kiến thức, kĩ năng, tập tính của các loài; đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật nuôi, thường xuyên gia cố chuồng trại, kiểm soát chặt chẽ, tránh để động vật thoát ra khỏi môi trường nuôi nhốt, gây nguy hiểm cho con người. Trong quá trình gây nuôi nên mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay để tránh bị động vật hoang dã cắn. Để có đầu ra đảm bảo, người gây nuôi phải theo dõi sát diễn biến của thị trường để có kế hoạch gây nuôi hợp lý.
Ông Nguyễn Việt Hà, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm số 5, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: “Theo Điều 29, Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp ban hành ngày 22/1/2019 thì hoạt động gây nuôi một số loài động vật hoang dã thuộc nhóm 2 được Nhà nước cho phép như cá sấu, rắn hổ mang, cầy vòi mốc, dúi,...”. Địa bàn Hạt quản lý có khoảng gần 100 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã.
Có 2 hình thức gây nuôi sinh sản hoặc để bán thương phẩm. Những hộ này đều đã được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn bản đảm các điều kiện về nguồn gốc con giống hợp pháp, chuồng trại, quy trình gây nuôi. Khi đủ điều kiện sẽ được cấp mã số trại để gây nuôi. Các khâu từ chăn nuôi, phối giống, mua bán đều phải có sự giám sát của cán bộ kiểm lâm. Khi xuất bán phải có hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý lâm sản.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/cong-phu-nghe-nuoi-ong-ho-mang-i733087/