Đa dạng sinh kế cho người dân
Trong những năm từ 2011 đến 2016, trên địa bàn huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, cây hồ tiêu chết hàng loạt, đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh nợ nần, phải bỏ nhà cửa, nương rẫy đi làm ăn xa. Trước thực trạng đó, huyện Chư Pưh triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng sinh kế để tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Đứng lên sau khủng hoảng hồ tiêu
Năm 2015, hơn 1.500 trụ tiêu của gia đình anh Đoàn Văn Thái, ở thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh bị bệnh chết, toàn bộ tài sản tích cóp được và số tiền 250 triệu đồng vay ngân hàng theo đó mất sạch. Bị mất sinh kế cùng với áp lực trả nợ ngân hàng, chi tiêu hằng ngày, vợ chồng anh Thái phải bỏ nhà vào phía Nam làm công nhân.
Sau hơn một năm tha hương, tiền lương cũng chỉ đủ sống qua ngày, anh quyết định trở về địa phương tìm sinh kế mới. Đúng thời điểm đó, huyện Chư Pưh triển khai nhiều chủ trương, chính sách để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều sinh kế cho người dân.
Được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2017, anh Thái triển khai mô hình nuôi dê bằng số vốn ít ỏi. Với phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi vững, sự cần cù, chịu khó, anh liên tục có lãi và tăng đàn dê.
Đến nay, đàn dê của gia đình anh có gần 300 con, mỗi năm thu nhập gần 500 triệu đồng. “Khi cây hồ tiêu chết đồng loạt, tôi và nhiều người dân nghĩ rằng, ở vùng đất này không có sinh kế khác cho thu nhập cao. Nhưng nay thì khác, trong xã Ia Blứ, nhiều gia đình vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi dê, trồng dâu nuôi tằm, chuyển đổi sang cây trồng khác như sầu riêng, rau sạch...”, anh Thái cho biết.
Tương tự xã Ia Blứ, đến xã Ia Le (huyện Chư Pưh), chúng tôi được tham quan nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả của người dân địa phương. Ông Trần Bá Chiến, ở thôn Phú Bình, xã Ia Le triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm từ năm 2018. Với 8 sào dâu, mỗi tháng ông Chiến có thể nuôi 3 hộp giống tằm, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.
Theo ông Chiến, sau khi xảy ra hiện tượng cây hồ tiêu chết hàng loạt, ông và nhiều người dân đã chuyển sang mô hình trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận cao. Nhiều gia đình không chỉ trả được nợ ngân hàng do đầu tư vào cây hồ tiêu mà còn xây được nhà khang trang, mua sắm xe ô tô, điển hình như ông Trần Bá Trường, ở thôn Phú Bình. Xã Ia Le cũng đã thành lập nông hội dâu tằm để tập hợp các thành viên, thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm và hỗ trợ nhau phát triển mô hình.
Xây dựng ngành nông nghiệp bền vững
Nhắc lại giai đoạn khủng hoảng cây hồ tiêu, nhiều lãnh đạo địa phương và người dân vẫn thấy rùng mình. Từng là “thủ phủ hồ tiêu” của Tây Nguyên nhưng chỉ trong thời gian ngắn, hơn 1.000ha cây hồ tiêu chết, người dân trên địa bàn nợ ngân hàng ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng. Đồng chí Lê Quang Vang, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết, thời điểm cây hồ tiêu chết, trên địa bàn xã Ia Blứ có hơn 1.000 người dân rời địa phương vào các tỉnh phía Nam làm công nhân.
Trước thực trạng này và thực hiện sự chỉ đạo của huyện, xã Ia Blứ đã quyết liệt tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nếu như trước đây chủ yếu là cây hồ tiêu và một số cây công nghiệp dài ngày thì nay đã đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế có sự liên kết của “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) mang lại hiệu quả kinh tế cao; hầu hết người dân đã trở về địa phương làm ăn sinh sống ổn định.
Theo đồng chí Siu Y Bé, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, rút kinh nghiệm từ cây hồ tiêu, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Chư Pưh đã có các nghị quyết chuyên đề, các đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Tập trung tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, triển khai các mô hình mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện cũng có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân xây dựng một số chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm gắn với quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh.
Hiện nay, huyện Chư Pưh có hơn 906ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng: Hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả (sầu riêng, bơ, cam, bưởi), cây dược liệu, trồng dâu nuôi tằm theo chuẩn sản xuất an toàn; xây dựng được 23 mô hình liên kết sản xuất lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và 7 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Chư Pưh những năm qua luôn ở mức khá, bình quân 3 năm 2021-2023 đạt 9,86%. Huyện đã có 6 xã và 9 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.
“Công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Chư Pưh lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, bài bản, quyết liệt. Đặc biệt, Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo và các tổ giúp việc của Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp để chỉ đạo, triển khai thống nhất từ huyện đến các thôn, làng.
Kết hợp chặt chẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng ngành nông nghiệp bền vững”, đồng chí Siu Y Bé thông tin.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/da-dang-sinh-ke-cho-nguoi-dan-744909