Đa dạng sinh thái ở Vườn Quốc gia Bến En

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng hơn 40 km về phía Tây Nam, Vườn Quốc gia Bến En có hệ thống thiên nhiên thơ mộng cùng với nhiều động, thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ.

Vườn Quốc gia Bến En thuộc địa bàn huyện Như Thanh, thành lập ngày 27-1-1992 với diện tích vùng lõi 16.634 ha, vùng đệm trên 30.000 ha.

Nơi đây có những cây lim, cây thông sừng sững cùng với nhiều loài động vật quý hiếm như gấu nhựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng…

Bến En được ví như Vịnh Hạ Long của xứ Thanh với 21 hòn đảo lớn nhỏ, hồ nước trong xanh cùng hàng nhìn loại động thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ.

Hồ sông Mực ở Bến En có diện tích 4.000 ha, sâu trung bình 34 m, là thủy vực của bốn con suối lớn trong vùng.

Theo kết quả điều tra cơ bản khu hệ động, thực vật rừng đến năm 2013, hệ thực vật Bến En gồm 6 ngành, 7 lớp, 77 bộ, 1.417 loài thực vật thuộc 191 họ với 57 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới năm 2013, 49 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, trong đó có một số loài ở mức độ cực kỳ nguy cấp và nguy cấp trên phạm vi toàn thế giới như: Trầm hương, táu mặt quỷ, re hương, vệ hài, kim cang Poilane, sao hải nam, sao hòn gai, táu nước, lim xanh…

Bên cạnh đó, động vật có 1.530 loài gồm: 102 loài thú, 277 loài chim, 66 loài bò sát, 47 loài ếch nhái, 97 loài cá, 50 loài động vật nổi, 163 loài động vật đáy và 728 loài côn trùng với nhiều loài quý hiếm như: Gấu ngựa, vượn đen má trắng, cu li lớn, cu li nhỏ, khỉ vàng, rắn hổ mang chúa…

Ngoài ra, đây cũng là trung tâm phân bổ của giống lim xanh đặc hữu nổi tiếng Việt Nam, có cây tuổi đời lên đến vài trăm năm với đường kính thân đạt gần 3 m. Ngoài ra, còn có các loài cây gỗ quý hiếm như chò chỉ, bù hương, sến mật, vàng tâm, lim, xẹt, lát hoa, trai lý... cùng họ cây có dầu như trẩu, sến, màng tang. Đặc biệt, rừng Bến En còn có trên 300 loài cây dược liệu.

Vườn Quốc gia Bến En là sự kết hợp của đồi, núi, sông và hồ. Khu vực giữa là Hồ Sông Mực với các đảo nổi được bao phủ bởi rừng và nhiều sông suối. Rừng núi đá vôi nằm ở phía Tây Nam chiếm một tỷ lệ nhỏ trong Vườn Quốc gia, những khu rừng núi đá còn lại chủ yếu nằm ở vùng đệm, vị trí cao nhất trong khu vực đạt 497m, độ dốc trung bình 20 - 25 độ.

Khí hậu Bến En được phân thành hai mùa: Mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 11 chiếm 90% tổng lượng mưa trong năm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 10% tổng lượng mưa hằng năm nhưng thường có mưa phùn nên giữ được độ ẩm cho cây cối trong vùng.

Nếu so sánh với các Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn khác ở khu vực Miền Bắc thì số loài thực vật ở Bến En gấp 2,77 lần Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa thiên Huế), gấp 1,85 lần Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), gấp 2,73 lần Khu BTTN Pù Hu, gấp 2,5 lần Khu BTTN Pù Luông và gấp 1,85 lần Khu BTTN Xuân Liên (Thanh Hóa), dù Bến En có diện tích nhỏ hơn.

Giai đoạn 2018 - 2020, tổng số lượt khách đến tham quan du lịch và làm việc tại Vườn Quốc gia Bến En là: 37.820 lượt, tổng doanh thu đạt 1.080.340.000 đồng.

Bến En là một kiệt tác được thiên nhiên ban tặng, một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi về với xứ Thanh.

Hoài Thu - Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/da-dang-sinh-thai-o-vuon-quoc-gia-ben-en/129361.htm