Đa dạng ý tưởng khởi nghiệp
Ý tưởng khởi nghiệp mỗi người mỗi vẻ nhưng có một nét chung là họ đều biết cách khai thác tài nguyên bản địa, chế biến trái cây lợi thế, hay thực vật hữu ích đem lại giá trị dinh dưỡng cao hơn, phục vụ đời sống xã hội, tạo việc làm cho một bộ phận lao động trẻ địa phương. Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II đã thu hút những ý tưởng khởi nghiệp trên.
Mỗi người mỗi vẻ
Với hai bạn trẻ năng động Trần Thị Kim Lĩnh, Nguyễn Ngọc Bảo (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc) luôn có tư duy năng động, đầy tính sáng tạo. Giải pháp “Phát huy tài nguyên bản địa và nâng cao giá trị quả thanh long Bình Thuận” của họ được ban giám khảo đánh giá cao, lọt vào vòng chung kết. Từ trái thanh long, nhóm này đã chế biến ra nước ép lên men tự nhiên 100%, siro, mứt, kẹo, thanh long sấy dẻo bắt mắt được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng, xem như đặc sản Bình Thuận để chọn mua làm quà trong dịp nghỉ lễ dài ngày vừa qua. Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: “Sản phẩm của nhóm hoàn toàn được chế biến tự nhiên, không phụ gia, như món giải khát thanh nhiệt cho mọi người trong những ngày trời nắng oi bức. Quầy hàng Bến thanh long là cách gọi của nhóm gồm các sản phẩm bắt mắt như trà thanh long, siro thanh long. Đã có 3 bến thanh long hình thành trong mùa hè ở Hàm Thuận Bắc, TP. Phan Thiết, được khách hàng trẻ đặc biệt ưa thích như trà thanh long với vị thanh mát, bổ dưỡng, giải nhiệt thời tiết nắng nóng kéo dài”.
Ý tưởng khởi nghiệp với Bến thanh long.
Còn câu chuyện khởi nghiệp “Dong riềng đỏ” của Nguyễn Trường Hậu (khu phố 3, phường Xuân An, TP. Phan Thiết) cũng khá thú vị. Trường Hậu chia sẻ, trong các chuyến đi dã ngoại tình cờ anh phát hiện cây dong riềng đỏ ở vùng đồi Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam như loại thảo dược quý. Dong riềng đỏ đã được Hậu đưa về phối hợp các người bạn của mình chế biến thành công “Trà túi lọc dong riềng đỏ”. Trà uống thanh mát có tác dụng hỗ trợ, phòng chống một số bệnh tim mạch, giúp hạ huyết áp ở người cao tuổi. Hậu cũng đã đưa dong riềng đỏ ngoài tự nhiên về thuần phục trồng một số diện tích ở Hàm Liêm, Hàm Thạnh làm nguyên liệu chế biến trà.
Vợ chồng chị Lê Thị Lý với ý tưởng khởi nghiệp “Trà tạo dáng hoa”.
Trong khi đó, chuyện khởi nghiệp “Trà tạo dáng hoa” của chị Lê Thị Lý ở xã Đa Kai, huyện Đức Linh không kém phần thi vị, lý thú. Câu chuyện sản phẩm của chị Lý với người thật, việc thật về người ba của mình. Ba chị trong lần khám bệnh ở TP. HCM phát hiện u đại tràng giai đoạn 3, tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của Bệnh viện Ung bướu TP. HCM. Tình cờ một lần chị tìm hiểu trà hoa vàng có các dược tính chống o xy hóa rất cao, chị hãm trà hoa cho ba uống bổ sung, cùng thuốc uống chữa trị của bệnh viện. “Bây giờ ba tôi vẫn khỏe, hồng hào ở tuổi 81 sau điều trị ung thư, các xét nghiệm về sau cho kết quả khả quan”, chị Lý không giấu nỗi vui mừng. Điều tự nhiên may mắn ấy đã khiến vợ chồng chị bắt tay ngay vào khởi nghiệp, chế biến sản phẩm trà hoa vàng, từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở vùng rừng 418- 419 Đa Kai. Sản phẩm được hình thành từ đó mang tên “Trà tạo dáng hoa- kết sức khỏe vàng” có thêm tác dụng hỗ trợ, phòng chống bệnh tật. Hai sản phẩm khởi nghiệp từ Trà túi lọc dong riềng đỏ và Trà tạo dáng hoa đang được khách hàng nhiều nơi trong, ngoài tỉnh ưa chuộng.
Các sản phẩm khởi nghiệp thân thiện môi trường
Các sản phẩm khởi nghiệp của chị Lê Thị Nguyên Hà.
Thân thiện môi trường
Các câu chuyện giải pháp khác cũng đều mới mẻ, thân thiện môi trường. Có thể kể như “Yummy plastic” Màng bọc ăn được và thay đổi màu sắc theo tình trạng thực phẩm được chiết xuất từ vỏ chanh dây, vỏ thanh long Bình Thuận của nhóm bạn trẻ Trường Đại học Quốc tế TP. HCM. Điểm độc đáo sản phẩm được tạo ra từ những nguyên liệu tự nhiên, không chất phụ gia độc hại nên người tiêu dùng có thể ăn trực tiếp. Màng có thêm tính năng mới kết hợp với chất chỉ thị màu tự nhiên betacyanin từ vỏ thanh long đỏ, không gây hại đến sức khỏe như những loại chất tạo màu nhân tạo trên thị trường. “Chuỗi sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn trong chế biến thanh long xanh Bình Thuận hướng đến phát triển bền vững” của chị Lê Thị Nguyên Hà (xã Hải Ninh, Bắc Bình). Chị Nguyên Hà chia sẻ, trong chuỗi sản phẩm khởi nghiệp trên có “Phương pháp sản xuất bột dinh dưỡng từ hạt thanh long nảy mầm và quy trình sản xuất hạt thanh long này” của chị được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế, tạo đòn bẩy cho khởi nghiệp. Cùng với đó, mô hình sản xuất ống hút gạo, bún phở sấy khô (dạng sợi thẳng) nhằm bảo vệ môi trường, nâng tầm giá trị hạt gạo Việt của chị Trương Thị Hồng Hà ở xã Phú Lạc, Tuy Phong bởi tính an toàn cao. Các sản phẩm không chứa Gluten, không chứa phụ gia, không chất bảo quản. Bên cạnh còn có sản phẩm mỹ phẩm đến từ vỏ thanh long của Đoàn Thị Kiều Vân (Phú Tài, TP. Phan Thiết); kem thanh long, mứt thanh long, bánh phồng tôm thanh long của chị Nguyễn Hoàng Thư Hương (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc). Các sản phẩm đa dạng chiết xuất từ nguyên liệu trái thanh long, cây trái địa phương đều được Ban giám khảo Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II chấm vòng chung khảo đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, tạo sản phẩm hàng hóa, thu hút lao động trẻ ở các huyện, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái.
Gắn câu chuyện với sản phẩm
Trong diễn biến liên quan trước đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường & Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong lần tham dự Hội chợ công nghệ thiết bị tỉnh Bình Thuận lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chia sẻ rằng: “Kinh nghiệm phát triển sản phẩm lợi thế ở Hàn Quốc là họ thường gắn câu chuyện liên quan đến sản phẩm để giới thiệu, thu hút khách hàng, cho họ quan tâm, chú ý hơn sản phẩm địa phương, vùng miền. Ở Bình Thuận, các cơ sở chế biến sản phẩm từ trái thanh long, có thể gắn chuyện chong đèn ban đêm vào mùa thanh long trái vụ, cho ra trái quanh năm, tươi ngon”. Các ý tưởng về mô hình, giải pháp trong Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II có thể xem là những câu chuyện lý thú để các tác giả của giải pháp giới thiệu với khách hàng.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/da-dang-y-tuong-khoi-nghiep-118563.html