Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á? - Bài 1: Hoang tàn Dự án hơn 14.500 tỷ đồng

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (viết tắt là Dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2009, Dự án triển khai rầm rộ để thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. 2 năm sau, Dự án tạm dừng, chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng. Đến nay, sau 12 năm tạm dừng, Dự án nghìn tỷ chỉ còn... đống hoang tàn.

Xí nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê thuộc Công ty CP sắt Thạch Khê tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Xí nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê thuộc Công ty CP sắt Thạch Khê tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Kỳ vọng lớn...

Thuyết minh Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê của chủ đầu tư TIC là những con số hết sức mỹ miều. Cụ thể, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 6.700 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 7.700 tỷ đồng. Công suất khai thác ở giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm, kéo dài trong 7 năm (chưa kể 3 năm xây dựng cơ bản), khai thác đến độ sâu -145m. Giai đoạn 2 có công suất 10 triệu tấn/năm, từ năm thứ 8 đến năm kết thúc, khai thác đến độ sâu -550m so với mực nước biển.

Nguồn vốn thực hiện chỉ có 30% vốn chủ sở hữu, còn lại 70% là vốn vay. Công nghệ khai thác được xác định là khai thác lộ thiên với hệ thống khai thác xuống sâu, vận tải trực tiếp và đổ thải ngoài (bãi thải trên đất liền và bãi thải lấn biển). Trữ lượng, tài nguyên mỏ sắt đạt tới 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác. Nghĩa là có 175 triệu tấn của mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á nằm ngoài vòng kiểm soát của chủ đầu tư.

Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm. Tổng diện tích sử dụng đất: 4.821ha, gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển. Đến nay, diện tích đất TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552ha.

Dự án nằm trên địa bàn 5 xã: Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Hải, Đỉnh Bàn thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án “khủng” này ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 7.000 hộ dân với hơn 27.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 15.600 người trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, theo khảo sát của huyện Thạch Hà, có 4 xã nằm trong vùng ảnh hưởng là Thạch Văn, Thạch Thắng, Thạch Hội, Tượng Sơn) với hơn 5.000 hộ, hơn 19.000 nhân khẩu, trong đó có 10.700 nhân khẩu trong độ tuổi lao động. Có 13 xã thuộc các huyện, thành phố vùng lân cận (5 xã thuộc huyện Lộc Hà, 5 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên và 3 xã/phường thuộc TP Hà Tĩnh), với hơn 25.000 hộ, hơn 88.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 55.700 nhân khẩu trong độ tuổi lao động.

Thuyết minh Dự án kỳ vọng sẽ biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam. Dự án được phê duyệt lần đầu ngày 24/11/2008. Tháng 9/2009, chủ đầu tư bắt tay vào thực hiện Dự án nhưng chỉ mới tiến hành bóc đất tầng phủ, mở rộng moong mỏ và bốc đất thử nghiệm trên diện tích khoảng 150ha tại địa bàn xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà).

Mục tiêu của TIC là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư và vận hành nhà máy luyện phôi thép…

Trong một diễn biến khác có liên quan, song song với thời điểm khởi công Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê thì tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa cũng khởi động. Chủ đầu tư TIC kỳ vọng dự án của Formosa sẽ nhập quặng ở mỏ sắt Thạch Khê. Tuy nhiên Formosa đã có văn bản từ chối nhập quặng ở mỏ sắt Thạch Khê.

Máy móc phục vụ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê bị hư hỏng, rỉ sét gây lãng phí.

Máy móc phục vụ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê bị hư hỏng, rỉ sét gây lãng phí.

Chỉ còn đống hoang tàn

Từ năm 2009 - 2011, TIC triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, khai thác đến độ sâu -34m so với mực nước biển. Quá trình này chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng. Ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 64/TB-VPCP, chỉ đạo Dự án tạm dừng hoạt động khai thác.

Thông báo số 64/TB-VPCP đánh giá, kết luận: “Quá trình triển khai còn nhiều bất cập, bộ máy tổ chức chưa hợp lý, triển khai Dự án chưa bài bản, trình tự về đầu tư xây dựng chưa triển khai đúng, để xảy ra tình trạng chậm, kéo dài, huy động vốn cho Dự án thấp… yêu cầu TIC dừng thực hiện bóc đất tầng phủ để hoàn thiện thủ tục pháp lý của Dự án, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư”.

Nhiều nhà dân di dời đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Nhiều nhà dân di dời đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Từ năm 2011 đến nay, việc hoàn thiện Dự án luôn được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tại nhiều văn bản, tuy nhiên Dự án còn nhiều tồn tại, chưa đảm bảo điều kiện để tiếp tục triển khai thực hiện, tiềm ẩn nhiều rủi ro, an toàn trong quá trình thực hiện Dự án, đặc biệt là các vấn đề về môi trường trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu cực đoan và nước biển dâng. Vì thế, dự án tưởng chừng sẽ làm thay đổi bộ mặt Hà Tĩnh đã “án binh bất động” hơn 1 thập kỷ qua.

Tại trụ sở Công ty CP sắt Thạch Khê ở đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) “cửa đóng then cài” nhiều tháng trời. Bên trong công ty “vườn không, nhà trống”, cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Thời điểm phóng viên có mặt tại công trường khai thác tổng hợp của Xí nghiệp khai thác mỏ TIC tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho thấy, mọi thứ ở đây gần như đã “rỉ hóa”. Trong vòng bán kính 3km xung quanh Xí nghiệp, từ cảnh vật đến cơ sở hạ tầng, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đến cuộc sống sinh hoạt của người dân… đều thiếu sức sống, xơ xác, hoang vắng...

Bên trong Xí nghiệp khai thác mỏ TIC chỉ có lác đác một số nhân viên bảo vệ chia nhau trực, canh gác tài sản của công ty nhưng đã hoang hóa, vụn vữa, oxi hóa theo thời gian. Ngay trước cổng vào Xí nghiệp, có 4 chiếc máy xúc nhập khẩu cỡ lớn nằm bất động. Các tòa nhà điều hành, công xưởng hoang tàn, rỉ sét, những mái tôn lung lay và chực rơi bất cứ lúc nào… Những tảng quặng lớn nằm trơ trọi trên nền đất đã trở màu xám xịt.

“Toàn bộ máy móc nhập khẩu, hàng loạt nhà xưởng, thiết bị đã hoen rỉ, hư hỏng, thành sắt vụn hết. Vì cuộc sống nên chúng tôi mới phải bám trụ ở đây chứ lương thưởng chẳng đáng bao nhiêu” - người bảo vệ tại công trường than thở!

Ban Giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê cho biết, tháng 4/2016, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, nếu Dự án tiếp tục thực hiện thì công ty sẽ hoàn thiện, gia hạn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vì đã hết hạn.

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh có Văn bản số 1712070/CV-FHS ngày 21/12/2017 ghi rõ: “Hàm lượng kẽm trong quặng sắt này (quặng sắt mỏ Thạch Khê - PV) cao hơn 10 lần so với quặng sắt thông thường, đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của Công ty; nguyên tố kẽm trong quặng sắt dễ ngưng tụ lại trên vách trong Lò cao gây ảnh hưởng đến việc vận hành, hư hỏng vật liệu chịu lửa và làm giảm tuổi thọ của Lò cao. Nghiêm trọng hơn nữa sẽ dẫn đến việc rò rỉ gang lỏng gây ra sự cố… Với công nghệ của Công ty hiện tại thì không thể sử dụng loại quặng sắt này”.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/da-den-luc-cham-dut-du-an-mo-sat-lon-nhat-dong-nam-a--bai-1-hoang-tan-du-an-hon-14500-ty-dong-5724848.html