Đã đến lúc nên cấm hẳn việc nuôi các loài chó hung tợn

Với mức độ nguy hiểm của chó pitbull cùng một số loài khác, đã đến lúc cần có 'quyết định' từ cơ quan có thẩm quyền về việc cấm nuôi những loài chó dữ, chứ không chỉ dừng lại ở việc bàn.

Mới đây, một người đàn ông ở Đà Nẵng đã bị tuyên phạm tội giết người vì cố ý thả chó pitbull cắn người khác. Với mức độ nguy hiểm của loài chó này cùng một số loài khác, đã đến lúc cần có “quyết định” từ cơ quan có thẩm quyền về việc cấm nuôi những loài chó dữ, chứ không chỉ dừng lại ở việc bàn.

Nuôi động vật trong nhà là thói quen và sở thích của nhiều người, mà chó là một trong những loài được nuôi nhiều nhất. Có rất nhiều lý do để người ta nuôi chó, tuy nhiên để việc này mang lại ý nghĩa như mong đợi đòi hỏi người chủ phải biết chọn nuôi loài nào phù hợp để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. Ngược lại, nếu không tìm hiểu kỹ đặc tính tâm lý mà bất chấp chọn nuôi theo sở thích cá nhân thì có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Một trong số ba bị cáo bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 10 năm tù về tội giết người vì thả chó pitbull cắn hàng xóm. Ảnh: HH

Một trong số ba bị cáo bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 10 năm tù về tội giết người vì thả chó pitbull cắn hàng xóm. Ảnh: HH

Một ví dụ điển hình là loài chó pitbull, đây là loài chó có bản năng hoang dã và hung dữ tự nhiên, được biết đến là loài chó nguy hiểm nhất trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người. Cơ hàm của loài chó này rất khỏe, giúp nó cắn và giữ chặt, không cho đối phương thoát ra.

Loài chó này có tập tính lãnh thổ cao, tấn công bất cứ đối thủ nào đi vào vùng của chúng. Thực tế ghi nhận đã có rất nhiều vụ chó pitbull tấn công con người, chẳng hạn ở Mỹ mỗi năm có khoảng 10.000 vụ chó tấn công con người; 59% số vụ do chó pitbull gây ra, 82% số vụ dẫn đến tử vong là do chó pitbull và một nửa nạn nhân là trẻ em.

Ở Việt Nam, thống kê những năm gần đây cho thấy đã có không ít vụ việc đáng tiếc xảy ra từ loài chó này. Chẳng hạn, ở Quảng Nam, vào tháng 1-2020, bà NTH (79 tuổi) đang đi bộ trên đường thì bất ngờ bị chó pitbull nhà hàng xóm tuột xích, hung tợn lao tới cắn xé khiến nạn nhân bị chấn thương nặng, gãy rời cẳng tay trái. Tại tỉnh Bình Phước, vào ngày 22-7-2022, bé PNTT (tám tuổi) qua nhà bà nội chơi bị chó pitbull tấn công, cắn vào người và đã tử vong do vết thương quá nặng.

Loài chó dữ này không chỉ tấn công người khác mà nó còn tấn công chính người nuôi. Có thể kể đến như vụ việc tại Thanh Hóa vào ngày 28-8-2022, trong lúc cho chó pitbull của gia đình nuôi ăn, bà D (64 tuổi) bất ngờ bị chó tấn công, cắn nhiều nhát vào cơ thể, bà D qua đời sau hai ngày điều trị.

Những vụ việc trên là minh chứng cho sự nguy hiểm tiềm tàng từ loài chó pitbull và cả những loài chó dữ khác. Đáng sợ hơn là việc con người lợi dụng chó pitbull để gây hại cho người khác cũng xảy ra không ít, dẫn đến phải vướng vào vòng lao lý. Gần đây nhất, hôm 20-6, TAND TP Đà Nẵng vừa tuyên phạt TĐT (47 tuổi) 10 năm tù về tội giết người, nguyên nhân là do T cố ý thả chó pitbull để cắn người gây ra thương tích 29%, tuy hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng theo cơ quan tố tụng nhận định, bị cáo biết rõ chó pitbull là loài chó dữ, có thể cắn chết người nhưng vẫn cố tình để chó tiếp tục cắn vào nhiều vùng trọng yếu của người khác.

Để phòng ngừa các vụ việc đáng tiếc do chó pitbull gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định cấm người dân nuôi loài chó này như Pháp, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Romania, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Malta, Anh, Ireland, Venezuela, Puerto Rico, Ecuador, New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Belarus, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Singapore...

Còn tại Việt Nam, các quy định về nuôi chó cũng đã có, tuy nhiên nó mới chỉ dừng lại ở việc quản lý đàn chó nói chung như phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó, có người dắt khi đưa ra nơi công cộng…

Những quy định này chẳng thể đảm bảo rằng “chó không tuột dây xích rồi lao ra cắn hàng xóm”, hay việc chủ chó trong lúc mất bình tĩnh biến chúng trở thành “công cụ” gây án… Và một khi hậu quả thương tích hay chết người đã xảy ra thì chẳng một quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định bồi thường thiệt hại hay thậm chí là một bản án hình sự nào có thể bù đắp được nỗi mất mát mà những loài chó dữ đã gây ra.

Do đó, đừng bàn nữa, đã đến lúc Nhà nước phải có hành động thực tế, lên danh sách những loài chó dữ để đưa vào danh mục cấm nuôi tại gia đình.

ThS NGUYỄN NHẬT KHANH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/da-den-luc-nen-cam-han-viec-nuoi-cac-loai-cho-hung-ton-post739441.html