Đá dệt thành vải: Từ vải liệm xác ướp Ai Cập đến vũ khí lợi hại của quân đội Mỹ và thứ chất độc chết người
Từ thời Ai Cập cổ đại, người ta đã khám phá ra kỹ thuật 'dệt vải từ đá' độc đáo mà sau này được quân đội Mỹ tận dụng làm vũ khí.
Từ vải liệm xác ướp Ai Cập
Amiăng (bắt nguồn từ tiếng Pháp amiante /amjɑ̃t/), còn được viết là a-mi-ăng hoặc Asbestos theo tiếng Anh, là một tập hợp gồm sáu khoáng vật silicat tự nhiên có thể được tìm thấy ở mọi lục địa trên trái đất.
Đặc tính của khoáng vật này là có cấu tạo gồm các tinh thể sợi mỏng và dài, mỗi sợi lại bao gồm hàng triệu sợi nhỏ có thể được giải phóng bằng cách mài mòn.
Từ buổi bình minh của lịch sử, người cổ đại đã phát hiện ra ưu điểm của amiăng và ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng chứng minh rằng: Từ năm 4.000 TCN, các sợi dài giống như sợi tóc của amiăng đã được sử dụng để làm bấc đèn và bấc nến.
Loại vải được dệt từ amiăng cực kỳ bền bỉ, lại có khả năng chịu nhiệt, chống cháy. Giữa những năm 2.000 - 3.000 TCN, thi thể ướp xác của các pharaoh Ai Cập được bọc cẩn thận trong các lớp vải amiăng để tránh hư hỏng.
Ở Phần Lan, người ta cũng tìm thấy những chiếc bình bằng đất sét có chứa sợi amiăng có niên đại từ năm 2.500 TCN. Loại sợi từ khoáng vật này có tác dụng tăng cường độ bền của bình và đặc biệt giúp bình chống cháy.
Vào năm 456 TCN, Herodotus (484 TCN- 425 TCN), một trong những nhà sử học vĩ đại nhất mọi thời đại, đã đề cập đến việc sử dụng vải liệm bằng amiăng để ngăn tro của người chết trộn lẫn với tro của ngọn lửa trên giàn hỏa táng.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng nguồn gốc của từ "amiăng" có thể bắt nguồn từ một thành ngữ Latinh "amiantus", có nghĩa là không bẩn hoặc không bị ô nhiễm.
Người La Mã cổ đại đã dệt sợi amiăng thành vải và dùng nó để may khăn trải bàn hoặc khăn ăn. Mỗi khi khăn bị bẩn, người La Mã sẽ ném chúng vào ngọn lửa đang cháy lớn.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, mảnh vải vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn trắng sáng hơn lúc ban đầu.
Không chỉ khai thác các đặc tính độc đáo của amiăng, người Hy Lạp và người La Mã cũng đã ghi lại tác hại của nó đối với con người. Nhà địa lý học người Hy Lạp Strabo (63 TCN- 23 CN) đã ghi chép lại "bệnh phổi" ở những nô lệ dệt vải amiăng.
Nhà sử học, nhà tự nhiên học và triết học người La Mã Pliny the Elder (23/24 TCN – 79 CN) đã viết về "căn bệnh của nô lệ" và mô tả việc người lao động đã phải sử dụng một loại mặt nạ làm từ bàng quang của dê hoặc cừu nhằm mục đích bảo vệ khỏi việc hít phải sợi amiăng.
Vũ khí tối tân của quân đội Mỹ
Trên thực tế, sản xuất amiăng không phải là một ngành công nghiệp phát triển cho đến cuối những năm 1800, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp nổ ra.
Khả năng chống lại hóa chất, nhiệt, nước và điện của amiăng khiến nó trở thành chất liệu tuyệt vời cho động cơ hơi nước, tuabin, nồi hơi, lò nướng và máy phát. Đặc tính dễ uốn của amiăng cũng khiến nó trở thành một chất xúc tác quan trọng trong ngành xây dựng.
Bất chấp mọi nỗ lực của các nhà nghiên cứu nhằm sản xuất và sử dụng amiăng một cách an toàn, amiăng vẫn là mối nguy hiểm to lớn đối với sức khỏe của con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm các chất gây ung thư ở người.
Vật liệu này có thể là nguyên nhân gây ra các căn bệnh tử thần như bệnh bụi phổi amiăng, u trung biểu mô và ung thư phổi.
Amiăng nguy hiểm nhất là khi nó bị vỡ. Khi đó, amiăng sẽ giải phóng các sợi cực nhỏ vào không khí. Vì sợi amiăng rất khó bị phá hủy, cơ thể chúng ta không đủ sức chống cự một khi chúng lọt vào phổi hoặc các mô của cơ thể. Từ đó dần dần phá hủy hệ thống hô hấp của con người.
Từ giữa thế kỷ XX, các sản phẩm amiăng đã được ứng dụng rất nhiều trong quân đội Mỹ vì khả năng cách nhiệt và chống cháy của chúng. Mọi chi nhánh của lực lượng vũ trang đều sử dụng amiăng trong việc đóng tàu, xe tăng, xe tải, máy bay, doanh trại và các công trình khác.
Tuy nhiên, theo Asbestos.com, việc tiếp xúc với amiăng trong quân đội đã khiến hàng nghìn cựu binh Mỹ đối mặt với căn bệnh ung thư phổi hoặc ung thư trung biểu mô sau khi nghỉ hưu.