Đã 'đòi' được kháng nghị Giám đốc thẩm

Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM (TANDCC TP.HCM) vừa có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM về vụ án 'Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa' – liên quan đến máy in C1100 của hãng Konica Minolta.

Sau 4 năm đấu tranh "đòi" kháng nghị, mới đây Chánh án TANDCC TP.HCM đã ra Quyết định kháng nghị đề nghị hủy Bản án phúc thẩm vụ án “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa” – liên quan đến máy in C1100 của hãng Konica Minolta. (Ảnh - Chính Kỳ)

Sự trùng hợp “hy hữu” sau 4 năm liên tục “đòi” kháng nghị

Theo đó, kháng nghị số 50/2020/KN-KDTM ngày 22/09/2020 của Chánh án TANDCC TP.HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 1106/2016/KDTM-PT ngày 22/09/2016 của TAND TP.HCM về vụ án “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Nguyên đơn là Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Phát hành sách) với Bị đơn là Công ty TNHH Thương mại, Tư vấn, Kỹ thuật Sao Nam (gọi tắt là Công ty Sao Nam) và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Konica Minolta Business Solution Việt Nam (gọi tắt là Công ty Konica Minolta VN), Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (gọi tắt là ACBL). Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm lại theo quy định pháp luật.

Kháng nghị này được đưa ra sau 4 năm kể từ ngày TAND TP.HCM tuyên phúc thẩm - ngày 22/9/2016, và cũng trong 4 năm đó phía nguyên đơn liên tục “đòi” kháng nghị.

Hành trình 4 năm “đòi” kháng nghị là một chặng đường đầy quyết liệt và cam go – giống như “mò kim đáy biển” của Công ty Phát hành sách. Đến khi TANDCC TP.HCM ra kháng nghị ngày 22/9/2020 đề nghị hủy Bản án phúc thẩm – ngoài việc chỉ ra những điểm chưa đúng ở hai Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, thì vẫn còn có thêm một chuyện kỳ lạ “hy hữu”, mang tính trùng hợp ngẫu nhiên, đó là có kháng nghị trùng “ngày, tháng” với Bản án phúc thẩm trước đó.

Cần thiết phải làm rõ 5 điểm quan trọng!

Liên quan đến vụ án, kháng nghị khẳng định tư cách tham gia tố tụng giữa các bên Nguyên đơn, Bị đơn và Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ở hai Bản án sơ thẩm, phúc thẩm là đúng quy định pháp luật.

Đồng thời kháng nghị cũng chỉ rõ thêm: Phía Công ty Phát hành sách là bên mua máy (C1100), Công ty Sao Nam là nhà phân phối của Công ty Konica Minolta VN, Công ty ACBL là bên cung cấp tài chính một phần (bên cho vay) theo thủ tục cho thuê tài chính, Công ty Konica Minolta VN liên quan với tư cách là bên ủy quyền bán máy.

Đặc biệt, kháng nghị Giám đốc thẩm đã chỉ ra 5 điểm cần thiết phải được làm rõ để xác định Hợp đồng mua bán tài sản và phụ lục hợp đồng bị vô hiệu do lừa dối hay do nhầm lẫn. Cụ thể phải làm rõ về giá và chương trình khuyến mãi giảm giá bán 20%; Về dịch vụ “click charge”; Về chất lượng máy in C1100; Về thời hạn bảo hành máy in C1100; Về xuất xứ hàng hóa (Theo tờ khai hải quan và các chi tiết bên trong máy in C1100 đều thể hiện xuất xứ là Trung Quốc).

Trong nội dung kháng nghị có đoạn nêu: "Theo tờ khai hải quan và các chi tiết bên trong máy in C1100 của hãng Konica Minolta đều thể hiện xuất xứ là Trung Quốc". (Ảnh - Chính Kỳ)

Về phần này, trong kháng nghị cũng nêu rõ: “Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty Sao Nam đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng về xuất xứ hàng hóa nên hợp đồng bị vô hiệu là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn và Công ty Phát hành sách cũng có một phần lỗi do không kiểm tra thông tin máy khi nhận bàn giao là chưa chính xác, từ đó dẫn đến giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu không đúng với quy định pháp luật.

Còn Tòa án cấp phúc thẩm nhận định dòng máy in C1100 không có máy nào có xuất xứ Nhật Bản như các bên thỏa thuận, việc ghi trong hợp đồng xuất xứ Nhật Bản là sai sót trong quá trình soạn thảo hợp đồng, từ đó xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Phát hành sách là hoàn toàn không có căn cứ”.

Ly kỳ vụ “dừng doanh nghiệp - đòi công lý”…

Thời điểm 4 năm trước, vụ kiện đã gây sự chú ý của dư luận và báo giới khi câu chuyện một doanh nhân quyết định “dừng doanh nghiệp – Công ty Phát hành sách” hoạt động gần 20 năm trong lĩnh vực in, xuất bản và phát hành sách để “tự thân” đứng ra dấng thân tìm chứng cứ nhằm đấu tranh làm sáng tỏ vụ án – từ đó “đòi công lý” cho doanh nghiệp mình.

Lý do vụ kiện được Công ty Phát hành sách đưa ra là do bị lừa dối khi mua sản phẩm máy in C1100 của hãng Konica Minolta (thương hiệu đến từ Nhật Bản) từ Công ty Sao Nam (nhà phân phối của Công ty Konica Minolta VN).

Trước đó, tháng 10/2014 Công ty Phát hành sách mua máy in C1100 từ Công ty Sao Nam với giá hơn 3,4 tỷ đồng để phục vụ kinh doanh, thế nhưng đến tháng 7/2015, Sao Nam lại chào giá bán máy in C1100 chỉ còn 2 tỷ đồng, chênh lệch tới hơn 1,8 tỷ đồng. Điều này theo Công ty Phát hành sách là bất thường và không hợp lý.

Điều đáng nói, từ khi mua máy C1100 về hoạt động thì đã bị lỗi. Còn hiện tại, chiếc máy in không thể hoạt động được bởi không có mật khẩu mở máy, không có mực, không có vật tư và phụ tùng thay thế... Chính vì vậy máy in C1100 cũng không thể bán cho bất kỳ ai – mà đơn giản chỉ trùm mềm, chờ “đòi công lý”!

Luật sư Lương Vĩnh Kim bên hai Bản án sơ thẩm, phúc thẩm trái ngược nhau. Và hậu quả sau Bản án phúc thẩm là ông phải mất hơn 3,4 tỷ đồng chỉ để ôm một cái máy in C1100 của hãng Konica Minolta không hoạt động được. (Ảnh - Chính kỳ)

Tại Bản án sơ thẩm ngày 19/4/2016 của TAND quận 3 TP.HCM tuyên hợp đồng vô hiệu buộc Công ty Konica Minolta VN và Công ty Sao Nam phải trả lại tiền cho Công ty Phát hành sách và nhận lại máy C1100.

Còn Bản án phúc thẩm ngày 22/9/2016 của TAND TP.HCM tuyên ngược Bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Và hậu quả của bản án phúc thẩm theo như Luật sư Lương Vĩnh Kim cũng là Giám đốc Công ty Phát hành sách chia sẻ một cách đau đớn rằng: ông phải mất hơn 3,4 tỷ đồng chỉ để ôm một cái máy in không hoạt động được – đây là điều rất bất công và vô lý.

Chính vì vậy ông đã quyết định “dừng doanh nghiệp” để tập trung “đòi công lý”! Và thực tế phải mất đến 4 năm mới “đòi” được kháng nghị.

Đặc biệt việc kháng nghị đề nghị hủy án phúc thẩm đã cho thấy, đây là một sự kiện pháp lý quan trọng khi chỉ ra Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xử lý sai sót trong vụ án này.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/da-doi-duoc-khang-nghi-giam-doc-tham-post99467.html