Đạ Huoai: Tập trung chăm sóc sầu riêng trước đại dịch COVID-19

Đạ Huoai được xem là 'thủ phủ' sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng và đây cũng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa có loại cây trồng nào thay thế được. Diện tích sầu riêng chủ yếu tập trung tại các địa phương như Hà Lâm, Phước Lộc, thị trấn Đạ M'ri, Đạ P'Loa và Đạ Oai... Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng người dân Đạ Huoai luôn dành một niềm tin 'sắt son' cho cây sầu riêng và chú trọng chăm sóc, chằng néo cây, trái để đối phó với mưa bão là chính.

Cây làm giàu

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, hiện địa phương đang có khoảng 3.350 ha sầu riêng; trong đó, có hơn 2.000 ha đã cho thu hoạch. Hầu hết sầu riêng Đạ Huoai hiện đã được người dân chuyển đổi qua trồng các giống ghép Thái Lan cho năng suất, chất lượng cao như Mong Thong, Ri6 và Đô Na. Năm 2019, sản lượng sầu riêng toàn huyện đạt hơn 23.000 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 900 tỷ đồng cho người nông dân. Con số này dự kiến trong vụ thu hoạch năm 2020 ước đạt khoảng 25.000 tấn. Sầu riêng Đạ Huoai thơm ngon nức tiếng xa gần nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Đó là những cơ sở vững chắc để khẳng định, hiện tại Đạ Huoai là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng.

Sầu riêng được trồng hầu hết trên khắp các xã, thị trấn của huyện Đạ Huoai. Trong đó, Hà Lâm vẫn là vựa sầu riêng lớn nhất và là “trái tim” của “thủ phủ” sầu riêng Đạ Huoai, với diện tích ước khoảng 1.360 ha và đạt năng suất trung bình khoảng 13,8 tấn/ha (cao hơn năng suất toàn huyện 12,6 tấn/ha). Năm 2019, sản lượng sầu riêng của xã Hà Lâm đạt gần 11.700 tấn, với giá bán 55 - 62 ngàn đồng/kg. Theo thống kê của xã Hà Lâm, hiện toàn xã có khoảng 92% hộ dân trồng sầu riêng, với diện tích từ 0,5 - 3 ha/hộ. So với Hà Lâm thì xã Phước Lộc là một trong những địa phương được xem là “sinh sau, đẻ muộn”. Thế nhưng đến nay, xã Phước Lộc đã có hơn 400 ha sầu riêng và tất cả đều trồng các giống ghép Thái Lan. Đây cũng chính là một trong những thành quả để đưa Phước Lộc trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn 1 năm theo lộ trình. Tương tự, người dân nhiều địa phương khác như thị trấn Đạ M’ri và các xã Đạ P’Loa, Đạ Tồn, Đạ Oai... cũng ăn nên làm ra nhờ cây sầu riêng.

Mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi

Hiện tại, sầu riêng Đạ Huoai đã bắt đầu cho thu bói, mặc dù giá sầu riêng đầu mùa năm nay có giảm hơn đầu vụ năm 2019, thế nhưng vẫn ở mức cao từ 60 - 70 ngàn đồng/kg. Theo dự tính, khoảng 1 tháng tới (giữa tháng 5), người dân huyện Đạ Huoai sẽ bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả trong nước và trên thế giới. Song điều đó vẫn chưa ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người trồng sầu riêng. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài thì việc ảnh hưởng đến giá cả, thị trường tiêu thụ và thu nhập của người trồng sầu riêng là khó tránh khỏi.

Theo ghi nhận thời điểm này, sầu riêng ở Đạ Huoai đang ở vào giai đoạn cần được chăm sóc dưỡng trái. Ông Phạm Quang Chiến - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: “Hiện tại, toàn bộ trái sầu riêng trên cây đã được người nông dân lựa chọn để thu hoạch. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng cần được chăm sóc bằng các chế độ đặc biệt đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp cùng các địa phương khuyến cáo và hướng dẫn bà con tập trung chăm sóc, nuôi trái để đảm bảo năng suất, chất lượng. Cùng với đó, khuyến cáo người nông dân tập trung chằng néo cây, trái đề phòng giông lốc, mưa bão, để cây không bị gãy đỗ”.

Ông Lương Đăng Khoa, ngụ Thôn 4 (xã Hà Lâm) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 2 ha sầu riêng ghép, mỗi năm cho thu hoạch từ 50 - 55 tấn trái và mang lại cho gia đình nguồn thu nhập từ 1,7 - 2 tỷ đồng/năm. Năm nay chưa đến vụ thu hoạch, nhưng gia đình vẫn lo lắng về đầu ra và giá cả. Tuy nhiên, gia đình tôi và bà con luôn xác định, sầu riêng là cây trồng chủ lực lâu năm và là nguồn thu chính nên cần được chăm sóc tốt để thu hoạch lâu dài”.

Cùng chung suy nghĩ với ông Khoa, người trồng sầu riêng Đạ Huoai đang tập trung chăm sóc nuôi trái để đảm bảo năng suất, chất lượng khi bước vào thu hoạch chính. Bà Phan Thị Tâm - ngụ xã Phước Lộc, quả quyết: “Gia đình tôi có gần 2 ha sầu riêng, nếu giá cả ổn định ở mức 40 ngàn đồng/kg thì cũng thu được từ 800 - 850 triệu đồng. Vì thế, bà con chúng tôi mong dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, đẩy lùi cả trong nước và quốc tế, để giá cả sầu riêng được ổn định như những năm trước”.

Theo thống kê của các địa phương, đến thời điểm này, toàn huyện Đạ Huoai đã có khoảng 350 hộ dân trồng sầu riêng VietGAP, với diện tích khoảng 550 ha. Trồng sầu riêng VietGAP theo hướng công nghệ cao, đòi hỏi người dân phải đưa cơ giới hóa vào chăm sóc là điều tất yếu. Từ những mô hình đã triển khai cho thấy, hệ thống chăm sóc sầu riêng tự động “3 trong 1” (bón phân, xịt thuốc và tưới nước tự động) là giải pháp căn bản không thể thiếu để phát triển sầu riêng công nghệ cao. Đây cũng là giải pháp quan trọng đang được người trồng sầu riêng hướng tới, để tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Mong rằng, dịch COVID-19 sớm qua đi để người trồng sầu riêng ở Đạ Huoai nói riêng và Lâm Đồng nói chung có một mùa thu hoạch vừa được mùa và được giá.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/da-huoai-tap-trung-cham-soc-sau-rieng-truoc-dai-dich-covid-19-2999204/