Đã huy động được 179.892 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu Chính phủ
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, đã huy động được 179.892 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ.
Trong tháng 6/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức 14 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, với tổng khối lượng trúng thầu đạt 16.940 tỷ đồng, tương đương 85,77% giá trị gọi thầu. Trái phiếu kỳ hạn 15 năm và 10 năm chiếm tỷ trọng vượt trội, lần lượt là 50,18% và 45,75% trên tổng khối lượng phát hành trong tháng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 84 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 179.892 tỷ đồng, trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được 179.892 tỷ đồng, đạt 62,52% kế hoạch phát hành quý II và 44,97% kế hoạch phát hành của năm 2023.
Lãi suất phát hành trong 6 tháng qua có xu hướng giảm dần theo thời gian với mức giảm tương đối mạnh tại tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động trái phiếu các kỳ hạn 5, 10, 15, 20, 30 năm đã giảm từ 3,75%-4,72%/năm hồi đầu năm 2023 xuống mức 2%-3,25%/năm vào cuối tháng 6/2023.
Giao dịch thứ cấp trái phiếu tháng 6 có tổng giá trị giao dịch đạt 154.875 tỷ đồng, tăng 16,83% so với tháng 5, bình quân đạt 7.040 tỷ đồng/phiên, trong đó giao dịch Outright chiếm 73,05%, còn lại là giao dịch Repos. Trái phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng là kỳ hạn 10 năm, 15 năm, và 10-15 năm với tỷ trọng 15,92%; 15,13% và 11,82% so với toàn thị trường.
Về lợi suất giao dịch bình quân của công cụ nợ, tăng nhiều nhất ở các kỳ hạn 15-20 năm và 25-30 năm, tương ứng 26,31% và 22,74% so với cùng kỳ tháng trước và giảm nhiều nhất ở các kỳ hạn 2 năm, 3-5 năm và 10-15 năm, tương ứng giảm 13,30%; 11,68% và 10,55% so với cùng kỳ tháng trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt 709.575 tỷ đồng, bình quân phiên đạt 5.864 tỷ đồng, giảm 23,8% so với bình quân cả năm 2022.
Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đạt 22.196 tỷ đồng, chiếm 3,13% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị bán ròng là 5.108 tỷ đồng.
Thông tin thêm về tình hình phát hành trái phiếu Chính phủ từ đầu năm đến nay, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Tài chính, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, theo quy định, nguồn trái phiếu Chính phủ được sử dụng chi cho đầu tư phát triển và trả nợ gốc đến hạn. Trong số này, phần thanh toán gốc đến hạn là khoảng hơn 60.000 tỷ đồng, còn lại được dùng cho chi đầu tư phát triển.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, giai đoạn này, kênh đầu tư trái phiếu Chính phủ đang được cho là kênh đầu tư ưu tiên trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp do nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân thấp. Hơn nữa, từ đầu tháng 5/2023, Thông tư số 12/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước có hiệu lực. Điều này được đánh giá là giúp làm chặt chẽ hơn và tăng tính công khai, minh bạch của các giao dịch mua lại trái phiếu Chính phủ.