Đã khuyết một cụ Long não

Cụ đây, ý trỏ một trong ba gộc thụ mộc có tên Khuynh diệp - Long não có tuổi đời hơn trăm tuổi ở sân Trụ sở Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội vừa bị chết đứng!

Một trong 3 cụ Khuynh diệp đang lặng lẽ tịch

Một trong 3 cụ Khuynh diệp đang lặng lẽ tịch

...Cái lần lang thang lâu nhất ở sân nhà 51 Trần Hưng Đạo là dự tang lễ nhạc sĩ Văn Cao.

Tôi theo chân cụ Kim Lân. Hai ông con tản bộ từ nhà cụ ở Hà Hồi. Lại sải những bước loanh quanh trong sân đợi thời gian tiến hành tang lễ. Người đợi viếng đông lắm. Chừng như cụ hơi mệt với những vồn vã chèo kéo chuyện trò của những người quen nên cụ máy tôi lảng ra chỗ vắng…

Được ngồi, được đi với một bậc cao lão còn mẫn tiệp như nhà văn Kim Lân là một thứ may. Những mẩu hồi ức không đầu không cuối về người vừa nằm xuống kia, có nhiều thứ nghe rồi thấy vẫn lạ? Cứ tưởng cái Trụ sở 51 này đã quá quen qua những đận họp hành, việc viếc giờ lại thấy ấn tượng mới qua chất giọng lào phào quen thuộc của cụ?

Động thái hơi nhanh hoạt khi cụ tha thẩn dừng lại bên một gốc cây cổ thụ đang vuột ra một mớ mầm nhánh non. Cụ chuyền cho tôi một nhánh. Một thứ hương thúc mạnh vào khứu giác. Bây giờ tôi mới nhận ra ba gộc cây cổ thụ đứng ở sân nhà 51 là Khuynh diệp, còn gọi là Long não.

Hương gây mùi nhớ… Là nhớ cái mùi khuynh diệp năm xa nằm ở Tỉnh Đoàn Quảng Ninh. Tỉnh đoàn ngay sát khách sạn Vườn Đào. Dinh thự có tên là Vườn Đào có từ cuối thế kỷ XIX nhưng um tùm đường bệ một giống khuynh diệp cổ thụ. Thứ hương long não khắc khoải thoát ra từ đêm tẩm ướp lẩn quất cả một vùng.

Giống khuynh diệp - long não chả biết di thực vào xứ ta bao giờ? Nhưng phàm những dinh thự công sở bề thế xây từ thời xa có tuổi đời hơn trăm năm thường thấy giống này hiện diện. To nhớn đường bệ tầm cỡ vài vòng ôm vút lên hàng chục mét nhưng không như giống xà cừ (cũng là loài di thực) mà thanh thoát, uẩn súc. Đứng trong khoảng rợp râm mát mùa hè, um tùm kín đáo về mùa lạnh mà ngước lên những tàn lá lăn tăn thấy phát lộ ra lắm thứ huyền diệu.

Có tên Khuynh diệp - lá nghiêng (chứ chẳng phải cây nghiêng). Bởi đâu như trong một ngày, hoặc vài ba ngày - lá cây này thay đổi chiều mà chẳng phải theo chiều gió! Mà lá của giống khuynh diệp mỗi lần khuynh/nghiêng như thế đâm biến sắc! Những sắc độ của xanh đậm, xanh non, xanh cốm…

Chưa hết, người ta chuộng trồng giống này nghe đâu nó có tác dụng thanh lọc không khí trừ tà ma gì đó. Còn thứ hữu dụng nhỡn tiền nước lá xông chữa cảm cúm cảm mạo và ép thành thứ dầu khuynh diệp thì nhiều người đã biết!

*

* *

Chả hiểu sao, nhà 51 này, cái nơi tá túc nơi ở của cựu hoàng Bảo Đại tại Hà Nội trong thời gian ngắn ngủi làm cố vấn cho Chính phủ VNDCCH lại được gọi là “Dinh Bảo Đại thứ 8” sau những biệt điện ở Đà Lạt, Đồ Sơn, Vũng Tàu…

Trước thời gian Bảo Đại ở nhà 51, công trình có diện tích 800m2 này nằm trong khuôn viên có sân vườn với tổng diện tích là 2.000m2 ban đầu được xây dựng để làm nhà ở cho Đốc lí Hà Nội gồm 2 tầng, 1 trệt.

Sau này, nhà 51 có chủ mới là Thị trưởng thành phố Hà Nội. Những ông Phan Xuân Đài, ông Thẩm Hoàng Tín (thị trưởng thành phố Hà Nội từ ngày 27/2/1950 – 8/8/1952).

Sau năm 1954, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tiếp quản công trình này và sử dụng đến ngày nay.

Tuổi nhà 51 hơn trăm năm, nhưng gần 70 năm là ngôi nhà thân quen của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ.

Trong gian khánh tiết còn lưu lại ảnh Cụ Hồ cùng nhiều yếu nhân của Đảng, Nhà nước từng đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ.

Hình như còn thiếu tấm hình nhà thơ Hoàng Trung Thông chủ trì cuộc đón phái đoàn Mặt trận giải phóng miền Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu đến thăm văn nghệ sĩ ở 51 Trần Hưng Đạo?

Cái khoảnh sân nhà 51, những bậc cầu thang bên phải dẫn lên tầng 2-3 ngoài văn phòng làm việc của 5 Hội chuyên ngành, từng lưu những sải bước với nhiều cung bậc của những Phan Khôi, Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Xuân Tửu, Trần Vân… và con cháu họ. Bởi nhiều năm nhà 51 từng là nơi ở, sinh hoạt của nhiều gia đình văn nghệ sĩ.

Cả chuyện vui lẫn việc buồn. Nhiều đám tang các văn nghệ sĩ gạo cội từng được tổ chức trong đó có đám tang vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và con trai.

*

* *

Nhà 51 trước 2 năm cải tạo

Nhà 51 trước 2 năm cải tạo

Nhà 51 sau hơn 2 năm cải tạo

Nhà 51 sau hơn 2 năm cải tạo

Đã lòa nhòa những hồi ức năm xa với nhà văn Kim Lân trên cái sân nhà 51 ngày tang Văn Cao. Nhưng vẫn ấn tượng vẫn ám ảnh là cuộc ra đi của một người từng là cư dân nhà 51. Cụ Phan Khôi.

Qua chất giọng lào phào của cụ, tôi cố hình dung ra cái thời những Phan Khôi, Kim Lân, Xuân Diệu, Phùng Cung… ở cùng một dãy lán gọi là khu Văn Nghệ trên Việt Bắc. Cuối lán ấy còn có một người nữa. Họa sĩ Trần Duy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Họa sĩ Trần Duy (trái)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Họa sĩ Trần Duy (trái)

Họa sỹ Trần Duy rất trọng tính khí cương cường tiết tháo của người cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu, cụ Phan Khôi. Hòa bình, hầu hết những người ở xóm lán văn nghệ về Hà Nội. Và một số được tá túc ở biệt thự nhà 51 này. Trong đó có cụ Phan Khôi.

Rồi một ngày, chẳng hiểu là đẹp hay xấu giời? Cụ Phan Khôi rủ Trần Duy lên phố Phan Chu Trinh ăn phở. Ăn xong đi ra, thì gặp mấy người tụ tập ở gần quán phở, có ông Lê Đạt, ông Nguyễn Hữu Đang, ông Trần Dần, ông Hoàng Cầm đang đứng bàn chuyện chi cứ oang oang. Thấy ông Phan Khôi thì mọi người hô ầm lên “Cụ Phan đây rồi! Lại khéo có cả Trần Duy nữa”.

Hỏi ra mới biết là anh em văn nghệ sĩ đang định ra một tờ báo và thiếu người làm. Hỏi nữa thì biết thêm mục đích chính của tờ báo là thơ, văn nghệ…

Tờ báo ấy là tờ Nhân văn.

Tờ ấy ra được 5 số. Và liền đó là tai họa cho ông Phan Khôi, cho thư ký tòa soạn Trần Duy cho cả nhóm Nhân văn Giai phẩm, cho gia đình của họ và còn hệ lụy tới biết bao người!

Nhà thơ, nhà văn hóa Phan Khôi

Nhà thơ, nhà văn hóa Phan Khôi

“Ngày ấy bao nhiêu là thương xót” câu thơ ấy của Trần Dần cứ như gợi và cả muốn khuất lấp bao chuyện tang thương. Cụ Phan Khôi, Trần Duy và nhiều người khác trong nhóm Nhân Văn bị kiểm thảo bị xỉ vả xỉa xói (một hình thức đấu tố). Một học giả luôn thường trực sự trung thực tiết tháo và rất dễ bị tổn thương như Phan Khôi bị một số người trẻ gọi bằng… thằng. Người cao tuổi hơn thì làm thơ chế giễu… Và giọt nước làm tràn ly là người ta đã đuổi cụ Phan Khôi ra khỏi nhà 51.

Chi tiết mà cụ Kim Lân còn nhớ là chắc ngại cái tính khí ngang thẳng của con người tiết tháo này, một yếu nhân của Văn nghệ khi đó, một người trẻ đã thân chinh ôm mớ chăn chiếu mùng mền của “thằng già” (người ấy gọi thế) Phan Khôi đem quẳng ra chỗ gốc cây long não gần cổng.

Theo chi tiết trong một hồi ức u ẩn cùng u uất của người con gái (chị là Kiến trúc sư) của họa sĩ Trần Duy, tôi lọ mọ tìm đến chỗ nương náu của họa sĩ Trần Duy ở mạn hồ Thành Công, Cống Trắng. Khu vực này hồ ao liên miên năm xa cũng là nơi nương náu của thi sĩ Trần Huyền Trân.

Mưa bay trắng đám (lá?) rau tần. Rau tần. Chắc gọi cho nhã đó thôi chứ là thứ rau muống trên hồ đầm trũng khu vực ẩm thấp dày âm khí mà người Pháp không thèm quy hoạch. Thi sĩ Trần Huyền Trân bất đắc chí sao đó, tiêu dao bằng thú cần câu thả bè muống. Nhưng họa sĩ Trần Duy sau khi bị đuổi khỏi nhà 51 cùng học giả Phan Khôi, đã dạt về đây vợ dại con thơ không biết làm gì để sống. Lại bị hàng xóm bạn bè xa lánh là “tên phản động”. Chi tiết mà con gái họa sĩ Trần Duy nhớ được là hôm nào xin được mớ tiết bò tiết lợn từ lò mổ về là cả nhà sì sụp như đại tiệc!

Cái câu mà Phan Khôi bất ngờ thốt lên với họa sĩ Trần Duy trong khoảnh khắc bị đuổi ấy như bản tánh cương cường tiết tháo cố hữu.

“Anh phải quên chuyện này đi!”.

Họa sĩ Trần Duy còn phải chứng kiến ông thày mình học giả Phan Khôi sau cuộc ra đi khỏi nhà 51 ấy phải dạt về cái xó ở một con phố hẻm. Và những giọt máu bệnh tật Phan Khôi thổ, vương trên trang sách đọc dở.

Cũng biết thêm chi tiết người nhà cụ Phan đã mở tấm giấy che mặt cho họa sỹ Trần Duy nhìn cụ Phan lần cuối. Và quan tài học giả Phan Khôi xộc xệch trên chiếc xe bò dật dờ ra nghĩa địa Hợp Thiện. Rất ít người đến viếng vì sợ liên lụy.

Nghĩ về cụ Phan, tôi cứ lẩn thẩn thêm, giống lương dân Việt hình như luôn tiềm ẩn ăm ắp cái gene tiết tháo? Có ai đó đã mặc định rằng dân đã trọng đã quý ai thì chả bao giờ sai! Phẩm chất mà dân mình đồng cảm, trân trọng đầu tiên là tiết tháo.

Thời ấy, có cụ Hữu Loan, có cụ Nguyên Hồng… Các cụ đã bỏ lại Hà Nội mà vuột hẳn về Nga Sơn thồ đá. Vuột hẳn về Nhã Nam Yên Thế bới đất lặt cỏ nuôi một đàn con lít nhít.

Cứ vương vất chuyện phần mộ học giả Phan Khôi sau này đã bị thất lạc ở nghĩa trang Hợp Thiện. Chuyện xin được kể sau.

*

* *

Bữa khánh thành Trụ sở 51 sau cải tạo nâng cấp, tôi vẫn cố quấy quả vài người nhà 51 rằng trong cái tổ chim này, nơi nào học giả Phan Khôi họa sĩ Trần Duy từng tá túc những năm sau 1954? Và cả nơi ở của cái người từng là yếu nhân của cư dân 51 đã hăng hái quyết liệt quẳng mùng màn chăn chiếu của cụ Phan Khôi ra chỗ đám gốc khuynh diệp kia?

Ở gác 1, gác 2, cả gác 3 nữa, người thì bảo chỗ này chỗ này, chỗ kia. Nhưng chả có ai nhớ đích xác.

Tôi ngó ra sân nhà 51 chỗ 3 cụ cây khuynh diệp đứng. Nhớ thêm cụ Trần Quốc Vượng cái câu trong buổi thuyết về di tích rằng “Cây cũng là một phần di tích”. Gộc cây khuynh diệp – long não kia có trước hay có sau hoặc đồng thời với nhà 51 này? Chắc cũng xê xích chút đỉnh thôi?

Cây cũng là di tích? Cứ như lời cụ Vượng, thì 3 gộc khuynh diệp kia cũng là vật chứng, nhân chứng nhà 51 này?

Ngày ấy, mắt lá nào trong ngàn vạn con mắt lá kia đã từng chứng kiến cuộc ra đi bất đắc dĩ của thày trò nhà Phan Khôi, Trần Duy? Đã từng phải ngó xuống đống chăn chiếu tùm hum của cụ Phan Khôi người ta vứt bừa?

Chợt như ánh nhìn sững lại khi tôi nhang nhác cây khuynh diệp thứ 3 (gần mạn Hàng Bài, Phố Huế) lá có vẻ héo úa rủ hẳn xuống? Lạ?

Một trong 3 cụ Khuynh diệp đang lặng lẽ tịch

Một trong 3 cụ Khuynh diệp đang lặng lẽ tịch

Sau thời điểm khánh thành ít bữa, tôi có việc phải đi qua nhà 51.

Sững sờ cái cảnh héo úa thực sự của cụ Khuynh diệp từng cần mẫn góp hơn một thế kỷ vững cành, xanh lá!

Cốc trà đá mát lạnh dường như chả dịu đi câu chuyện bình thản nhẩn nha của bà hàng nước bên vệ rào nhà 51.

Chuyện hình như người ta thiết kế cái họng nước cứu hỏa ngay dưới gốc khuynh diệp kia. Chả biết tí toáy sao đó chắc đụng vào rễ!

Chừng như cụ Khuynh diệp đã không qua được vết thương chí tử ấy. Cụ đã âm thầm, lặng lẽ ra đi vào một tiết thu!

Vậy đã khuyết đi một chứng “nhân” của những thưở, những thời!

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-khuyet-mot-cu-long-nao-post1666716.tpo