Đà Lạt cần phát triển bền vững
Cơn mưa lớn chỉ kéo dài hơn 30 phút vào dịp lễ vừa qua khiến Đà Lạt bị ngập nặng tại khu vực trung tâm, nhiều nơi nước cao gần 1 m. Đáng chú ý, với địa hình phố núi nhưng nước mưa vẫn thoát không kịp, đổ dồn về vùng trũng, nước từ suối tràn lên, phát sinh điểm ngập mới.
Trước đó, thành phố này từng được cảnh báo tình trạng thiếu nước sinh hoạt, kẹt xe nên phải lắp đặt đèn tín hiệu cũng đã không còn danh hiệu "thành phố không đèn giao thông".
Ở nước ta, nhiều địa phương đã sai lầm trong phát triển rơi vào thảm họa xây dựng tràn lan đánh đổi cảnh quan, môi trường, di sản gây ra hệ lụy lớn mà việc khắc phục vô cùng khó khăn và tốn kém. Ngập nước không chỉ ở đồng bằng như Hà Nội, TP HCM mà còn tại vùng cao như TP Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai), thậm chí là đảo ngoài khơi như Phú Quốc (Kiên Giang).
Nhiều thành phố, đô thị nổi tiếng trên thế giới được quy hoạch theo hướng hài hòa bảo đảm các giá trị cốt lõi, phát triển bền vững. Singapore dù diện tích cả đất nước chỉ khoảng 700 km2, đất chật người đông, mật độ xây dựng rất cao nhưng vẫn giữ nét cổ điển với hiện đại hóa, lấy cảnh quan kiến trúc di sản làm điểm nhấn cho công trình xây dựng. Tương tự, nhiều thành phố và đô thị được cho là văn minh, hiện đại trong phát triển vẫn bảo đảm hài hòa với môi trường, bản sắc, kiến trúc, di sản bên cạnh tổ chức các dịch vụ thông minh như ở Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia)...
Phát triển thành phố, đô thị đâu cứ nhất quyết phải bê-tông hóa công trình xây dựng, nhà cao tầng. Phố cổ Hội An (Quảng Nam) được UNESCO đánh giá như hình mẫu cho bảo tồn và phát triển bền vững. Chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo đảm cảnh quan với không gian sống. Bổ sung nhiều chi tiết cũ và mới theo hướng tích cực, phục hồi một thương cảng đã có từ thế kỷ trước cùng với tái hiện hình ảnh mua bán, trao đổi hàng hóa thu hút khách du lịch.
Đà Lạt thì sao? Không biết bao đồi thông, cảnh quan kiến trúc phải nhường chỗ cho nhà cao tầng. Khu vực trung tâm ngày càng bê-tông hóa, nén chặt công trình xây dựng trong "quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt". Từ trên cao nhìn xuống chỉ thấy sót lại không gian xanh tại Dinh tỉnh trưởng trên đồi thông - còn gọi là đồi Dinh với diện tích 4,43 ha, đã có từ năm 1910 là di tích gắn với lịch sử Đà Lạt có tên trong danh sách bảo tồn đặc biệt - cũng có trong kế hoạch di dời để xây dựng tổ hợp khách sạn 10 tầng với nhà hàng, khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ. Trong khi không gian chung ngày càng hẹp, không có sự quản lý tốt, tổ chức các dịch vụ chưa phù hợp thì tất yếu càng quá tải không chỉ về thoát nước, cấp nước, giao thông.
Mô hình cải tạo các thành phố, đô thị nổi tiếng trên thế giới được quy hoạch bài bản và hài hòa, bảo đảm các giá trị cốt lõi, phát triển bền vững đáng để cho Đà Lạt tham khảo. Chính quyền hãy thận trọng xử lý tốt mối quan hệ giữa hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ giá trị cốt lõi môi trường, kiến trúc, di sản quý giá cho Đà Lạt. Tận dụng địa hình với đầu tư hệ thống cống đồng bộ; tăng cường khả năng trữ nước, cấp nước sinh hoạt cho khu vực trung tâm; giao thông theo hướng tăng phương tiện công cộng với năng lượng xanh - sạch như xe buýt điện, xe đạp… Rà soát các tuyến đường khu trung tâm thiếu mảng xanh để trồng cây thông, hoa cảnh trên vỉa hè - vừa tạo cảnh quan vừa góp phần thấm nước tự nhiên, trữ nước mùa khô, giảm tác hại từ mật độ giao thông… Nên quy hoạch mảng xanh phù hợp phát triển dân số, tích hợp thành quy định chung. Phát triển mảng xanh gắn với các hoạt động trong lĩnh vực giao thông, xây dựng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/da-lat-can-phat-trien-ben-vung-20220905210635153.htm