Đạ Lây phát triển nghề tiểu thủ công mỹ nghệ

Trong bối cảnh nhiều làng nghề đang mai một dần hoặc không sản xuất, nhưng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ đan lát lục bình, mây tre tại xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh vẫn 'sống khỏe' và đầy tiềm năng phát triển mở rộng.

Nghề đan lục bình, mây, tre đang mang lại thu nhập cao cho nhiều lao động nông thôn ở huyện Đạ Tẻh

Nghề đan lục bình, mây, tre đang mang lại thu nhập cao cho nhiều lao động nông thôn ở huyện Đạ Tẻh

Đến xã Đạ Lây vào buổi trưa ở thời điểm này sẽ thấy hai bên đường có rất nhiều lục bình được người dân mang ra phơi khô. Nghề đan lục bình được xem là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Lây cho biết: Hiện trên địa bàn xã có rất nhiều hộ gia đình tham gia nghề tiểu thủ công mỹ nghệ đan lát lục bình, mây tre... Trung bình, một người nếu làm chuyên cần có thể kiếm được 5 - 7 triệu đồng một tháng, còn một người tay nghề bình thường cũng có thể kiếm được từ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Những người tham gia nghề này phần đông là chị em phụ nữ.

Ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, họ thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để tham gia đan lục bình, mây tre. Cái hay của nghề này ở chỗ, tuy chỉ là nghề phụ, nhưng khi đã khéo tay và chuyên cần thì thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông, thêm nữa là công việc này luôn có quanh năm.

Chúng tôi ghé Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ha Do (Công ty Ha Do) tại xã Đạ Lây, mặc dù đang là cao điểm ngày mùa nhưng bên trong nhà xưởng của công ty đang có hơn 50 chị em tất bật làm việc. Chị Đặng Thị Hồng, xã Đạ Lây cho biết: Tranh thủ thời gian nhàn rỗi sau khi thu hoạch vụ lúa xong chị lại đến công ty xin nhận gia công đan lục bình với thù lao 200.000 đồng/ngày. Nghề này rảnh lúc nào thì làm lúc ấy, phù hợp với chị em ở nông thôn. Ngoài làm việc trực tiếp tại công ty, chị còn lấy thêm nguyên liệu từ công ty để cho các thành viên trong gia đình làm tại nhà.

“Nguồn hàng ổn định, thường xuyên nên cả nhà tôi nhận về đan. Ngoài đi làm vườn, đây là nguồn thu chính của cả gia đình để sống hàng ngày, nhờ nó mà cuộc sống của gia đình tôi từng bước được cải thiện...” - chị Hồng chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Đình Cường, phụ trách quản lý Công ty Ha Do cho hay: Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây tre đan, lục bình của các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước ngày một tăng. Chính vì vậy, từ năm 2019, công ty đã tìm đến địa phương để thuê nhà xưởng, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với trọng tâm là các sản phẩm đan lát từ mây, tre và lục bình.

Do chủ động tìm kiếm thị trường nên các sản phẩm của công ty được khách hàng rất đón nhận. Trung bình, mỗi tháng công ty xuất ra thị trường hàng ngàn các sản phẩm mây, tre đan. Riêng đối với sản phẩm lục bình, công ty chuyên dành để xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ và Canada. Mặc dù đạt sản lượng lớn như vậy nhưng công ty vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các đối tác xuất khẩu.

Với mong muốn mở rộng sản xuất và đóng hàng xuất khẩu trực tiếp tại địa phương, từ đầu năm 2021, Công ty Ha Do đã mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng một khu nhà xưởng sản xuất mới, rộng 5.000 m2 với hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy hiện đại, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn lao động theo tiêu chuẩn châu Âu.

Đồng thời, công ty cũng đang có kế hoạch tuyển thêm hàng trăm công nhân địa phương và các vùng lân cận vào làm việc tại chỗ, cũng như đẩy mạnh việc đưa nguồn nguyên liệu đến các điểm nhận gia công tại nhà tại các xã Mỹ Đức, An Nhơn, huyện Đạ Tẻh; xã Gia Viễn, Tiên Hoàng, thị trấn Phước Cát, xã Phước Cát 2 của huyện Cát Tiên.

Theo anh Cường, để bảo đảm chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, xuất khẩu, công ty vẫn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và dạy thêm những kỹ thuật đan cho từng loại sản phẩm mới của mỗi đơn hàng. Những sản phẩm bị lỗi được phát hiện và kịp thời xử lý nên toàn bộ sản phẩm khi xuất ra thị trường đều được khách hàng chấp nhận, tin tưởng, góp phần nâng cao uy tín cho công ty.

Bên cạnh đó, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, hiện công ty đang phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi, đưa cây tầm vông vào canh tác tại địa phương. Đồng thời, công ty sẽ chịu trách nhiệm ký hợp đồng thu mua, bao tiêu toàn bộ đầu ra cho bà con nông dân.

Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây cho biết: Những năm qua, nghề tiểu thủ công nghiệp đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, nhất là đối tượng lao động nữ tại xã Đạ Lây nói riêng và huyện Đạ Tẻh nói chung. Qua đó, giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống, cải thiện kinh tế cho gia đình.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202105/da-lay-phat-trien-nghe-tieu-thu-cong-my-nghe-3058325/