Da loang lổ vì đắp lá trầu không làm trắng da, khắc phục thế nào?
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại của lá trầu không khi sử dụng với mục đích chữa nám, làm trắng da, nhưng tại các phòng khám da liễu vẫn thường xuyên gặp phải nhiều ca bệnh tăng, giảm sắc tố do tự ý sử dụng lá trầu không điều trị da.
Lá trầu không có giúp làm trắng da không?
Trên thực tế, lá trầu không có thể làm trắng da do trong lá này có chứa phenolic compounds bao gồm các hoạt chất benzen, phenol, catechol, hydroquinone. Chất này có tác dụng làm trắng da nhanh chóng, nên trong 3 ngày đầu đắp lá, sẽ có cảm giác kích ứng nhẹ như đỏ da, châm chích sau đó cảm giác này mất đi. Nhiều người sẽ cảm nhận được da trắng mịn hơn, tình trạng nám vì thế cũng giảm đi sau 1 tuần đắp lá.
Tác dụng trắng da này nhanh hơn bất kỳ loại thuốc làm trắng hiện tại trên thị trường. Do đó, rất nhiều người lầm tưởng đắp lá trầu không là một phương pháp làm đẹp thần kỳ không gây hại vì nó hoàn toàn đến từ tự nhiên.
Cũng chính vì thế mà nhiều người hồ hởi tiếp tục đắp lá trầu không liên tục kéo dài hoặc ngắt quãng. Không những thế, họ còn chia sẻ lên mạng xã hội, mách nhau cách đắp lá trầu không để làm đẹp. Từ đó trào lưu làm đẹp bằng lá trầu không ngày càng tăng trong cộng đồng. Có thể kể đến như:
Hấp lá trầu không, sau đó để nguội rồi đắp lên mặt.
Tự tạo keo trầu không.
Sử dụng các sản phẩm cao, lá trầu không có bán sẵn trên thị trường.
Giã nhuyễn lá trầu không rồi đắp hoặc vắt lấy nước thoa lên mặt...
Nhưng, đó là cách làm đẹp sai lầm nghiêm trọng, mà hậu quả để lại rất khó khắc phục và tốn kém.
Lý do là hiệu quả làm trắng của lá trầu không chỉ trong giai đoạn rất ngắn. Tiếp đó là đến giai đoạn tăng sắc tố trở lại. Trong giai đoạn này, tất cả các bệnh nhân đều bị tăng sắc tố da không đều, tạo thành da loang lổ chỗ trắng, chỗ sạm đen. Cuối cùng sự tăng giảm sắc tố bất thường sẽ khiến làn da bị mất hoàn toàn màu da và tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố.
2. Vì sao sau khi làm trắng da, lá trầu không lại khiến da bị loang lổ?
Mặc dù, trong lá trầu không có chứa một số carbohydrate, acid glucouronic, acid α-hydroxy và một số acid amin tự do và tannin có lợi cho da... nhưng trong lá trầu không đồng thời lại có chứa trong đó các dẫn xuất của phenol như: Eugenol, cavacrol và chavicol; catechol (allyl-pyrocatechol), hoặc benzen (chavibetol, p-cymene và anethole)...
Đây là các thành phần gây ảnh hưởng trong việc làm mất sắc tố, gây độc tế bào sắc tố. Ngoài ra nó còn gây ra viêm da tiếp xúc và khiến tình trạng tăng sắc tố trở lại. Từ đó dẫn đến tình trạng tăng giảm sắc tố bất thương, khiến làn da bị loang lổ…
3. Xử trí da loang lổ sau đắp lá trầu không như thế nào?
Trên thực tế lâm sàng hiện nay, mỗi năm số lượng ca đến khám do viêm da tiếp xúc từ đắp lá cây ở các bệnh viện chuyên khoa da liễu là không nhỏ với mức độ từ trung bình đến rất nặng.
Khi có dấu hiệu da tăng giảm sắc tố sau khi đắp lá trầu không, cần ngừng đắp ngay. Mặc dù sau khi ngừng đắp lá, da đen sạm hơn nhiều, nhưng bạn cần phải chấp nhận sự thật này. Tuyệt đối không được tiếp tục đắp lá trầu không vì sẽ khiến da càng trở nên tồi tệ hơn, khó khắc phục hơn. Sau đó cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị.
Việc điều trị tình trạng này sẽ mất nhiều thời gian nên cần kiên trì để làn da từ từ hồi phục. Tùy tình trạng da, bác sĩ sẽ kê toa thuốc uống và thuốc bôi phù hợp.
Khi điều trị tăng sắc tố cần tránh dùng các thuốc giảm sắc tố có nguồn gốc từ phenolic compounds trong đó có hydroquinone. Ưu tiên sử dụng nhóm thuốc khác như azelaic, retinoids, kojic…
Điều trị giảm sắc tố thì cần điều trị giống như bạch biến, hoặc chờ đợi phục hồi sắc tố sau một thời gian. Qua kinh nghiệm điều trị cho nhiều bệnh nhân bị tình trạng trên, có khoảng 7/10 bệnh nhân đáp ứng tốt bằng bôi tacrolimus + ánh sáng trị liệu (UVB hoặc Excimer).
Trường hợp các phương pháp điều trị đều thất bại và tình trạng da đen sạm ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như chất lượng sống của bệnh nhân, có thể tiến hành ghép da, ghép tế bào.