Đa lợi ích từ dịch vụ môi trường rừng

Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân bản Sò Lườn, xã Mường Sang (Mộc Châu) đã đầu tư làm đường bê tông nội bản với hệ thống điện đường chiếu sáng ban đêm và xây dựng nhà văn hóa, phục vụ đời sống của người dân.

Dọc tuyến đường bê tông từ quốc lộ 43 vào bản Sò Lườn được phủ màu xanh bạt ngàn của rừng. Bản Sò Lườn nằm trọn dưới thung lũng với những ruộng lúa xanh mướt; trên các nương, đồi là những vườn cây ăn quả được trồng theo hàng, có hệ thống tưới nước tự động và được bao quanh bởi rừng. Dẫn chúng tôi đi thăm bản, ông Vì Văn Cúc, Bí thư Chi bộ bản Sò Lườn, phấn khởi nói: 5 năm trước, mùa mưa thì khách không vào được bản, bởi đường đất lầy lội, trơn trượt. Từ năm 2016 đến nay, bà con trong bản đã thống nhất sử dụng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng đầu tư làm 3 km đường bê tông nội bản có lắp hệ thống điện đường chiếu sáng ban đêm và đầu tư xây nhà văn hóa, giúp bà con đi lại trao đổi hàng hóa thuận lợi và kinh tế phát triển hơn trước rất nhiều.

Các thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Sò Lườn phát đường ranh cản lửa phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các thành viên Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Sò Lườn phát đường ranh cản lửa phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bản Sò Lườn có 125 hộ, 484 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Người dân của bản gieo cấy hơn 10 ha lúa nước đảm bảo lương thực tại chỗ và trồng 50 ha cây ăn quả gồm: Mận, mơ, nhãn, bơ, cam, bưởi... Bản đang quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên lớn, với hơn 1.000 ha và được đưa vào hương ước, quy ước quản lý, bảo vệ rừng từ nhiều năm nay. Trong đó, quy định rõ các hộ gia đình ổn định diện tích nương rẫy đã khai hoang từ trước, không được lấn chiếm vào rừng, các hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền cho vào quỹ bản.

Từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bản, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Tính riêng năm 2020, bản Sò Lườn được Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh chi trả hơn 340 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng. Từ nguồn kinh phí này, Ban quản lý bản đã tổ chức họp dân, công khai và thống nhất các khoản chi tiêu.

Bản Sò Lườn đã xây dựng quy chế quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và công khai minh bạch, bảo đảm sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho cộng đồng bản, số tiền được chi trả hằng năm sẽ trích 25% cho các hoạt động quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và trả thù lao cho thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng để thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng; 60% để duy tu, sửa chữa nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương nội đồng, mua các trang thiết bị cần thiết phục vụ các hoạt động của người dân trong bản và 15% giao cho nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản để cho các hội viên vay phát triển sản xuất.

Chị Hà Thị Đóa, Chi hội trưởng Chi hội LHPN bản Sò Lườn, cho biết: Trong 2 năm (2019-2020), Chi hội được bản trích 100 triệu đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng để làm quỹ tiết kiệm tự quản cho các hội viên phụ nữ vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; trong đó, ưu tiên cho 5 hộ nghèo ở bản vay vốn đầu tư sản xuất để phấn đấu thoát nghèo. Hiện, thu nhập bình quân ở bản đạt gần 29 triệu đồng/người/năm. Chi hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức cho các hội viên tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp các hội viên đầu tư đúng hướng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Việc chi trả nguồn dịch vụ môi trường rừng và cách quản lý, đầu tư hiệu quả nguồn kinh phí của bản Sò Lườn đã góp thêm nguồn lực đầu tư các công trình phúc lợi phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân, khích lệ, động viên bà con nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, giúp những cánh rừng ở Sò Lườn thêm xanh mãi.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/da-loi-ich-tu-dich-vu-moi-truong-rung-43541