Da mặt bị khô bong tróc phải làm sao?

Khô da mặt gây cảm giác khó chịu, thô ráp, căng, ngứa rát, nứt nẻ, thậm chí nhiễm trùng… Nên điều trị sớm, đúng cách để giúp cải thiện làn da, hạn chế những hệ lụy.

1. Nguyên nhân nào gây tình trạng khô da mặt?

Khô da mặt là tình trạng da phổ biến. Dấu hiệu đầu tiên của da khô là cảm giác khó chịu trên mặt, đặc biệt là sau khi tắm. Da mặt khô gây cảm giác khô căng, cứng. Đồng thời có thể xuất hiện các mảng thô ráp, trắng, tím hoặc đỏ bong tróc, nứt nẻ trên da. Da dễ bị kích ứng hoặc ngứa hơn khi chạm vào. Bất kỳ ai cũng có thể bị khô da, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khiến da đột nhiên thay đổi về kết cấu hoặc bề mặt. Da khô có thể là phản ứng tạm thời với sự thay đổi trong môi trường, phản ứng với quá trình lão hóa hoặc triệu chứng của tình trạng sức khỏe cấp tính (ngắn hạn) hoặc mạn tính (dài hạn).

Nguyên nhân thường là do: Dị ứng với một số hóa chất, lão hóa, thay đổi thời tiết, một số bệnh lý mạn tính (chàm, vảy nến, đái tháo đường, bệnh gan, thận), thuốc điều trị bệnh (thuốc lợi tiểu, statin, hóa trị, xạ trị…), thay đổi chế độ ăn uống, tiền ung thư… Da khô có thể dễ bị nhầm lẫn với da thiếu nước.

Nếu không được điều trị, tình trạng da sẽ khiến da nứt nẻ, dễ nhiễm trùng...

Da mặt khô gây cảm giác khô căng, cứng, xuất hiện các mảng thô ráp, trắng, tím hoặc đỏ bong tróc, nứt nẻ trên da.

Da mặt khô gây cảm giác khô căng, cứng, xuất hiện các mảng thô ráp, trắng, tím hoặc đỏ bong tróc, nứt nẻ trên da.

2. Các phương pháp điều trị khô da mặt

Để điều trị khô da mặt cần làm dịu cảm giác khó chịu, thay thế độ ẩm đã mất và bảo vệ da để da có thể lành lại. Bao gồm:

- Nên ngừng dùng các sản phẩm gây ra các triệu chứng khô da. Nếu tình trạng kích ứng vẫn tiếp diễn và các mảng khô lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, hoặc bị sốt, phát ban hoặc sưng tấy…, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời.

- Có thể giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng khô da bằng một quy trình chăm sóc da thường xuyên giúp phục hồi và duy trì độ ẩm cho da.

+ Sau khi tẩy tế bào chết cho da mặt, phải dưỡng ẩm ngay bằng thuốc mỡ hoặc kem khóa ẩm. Các thành phần phổ biến trong các sản phẩm dưỡng ẩm bao gồm glycerin, axit hyaluronic và ceramide sẽ giúp làm mềm da.

+ Rửa mặt bằng nước ấm: Nước ấm làm giãn các mao mạch và cải thiện lưu thông máu, giúp giảm tình trạng ngứa trên da mặt.

+ Dùng kem dưỡng ẩm có các thành phần tự nhiên (như dầu dừa, bơ hạt mỡ, glycerin) để giúp làn da mềm mại và khỏe mạnh hơn.

Có thể dùng một số sản phẩm bôi ngoài da để phục hồi và duy trì độ ẩm cho da.

Có thể dùng một số sản phẩm bôi ngoài da để phục hồi và duy trì độ ẩm cho da.

- Nếu nguyên nhân gây khô da do dị ứng, cần tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng. Có thể dùng thuốc giảm ngứa, thuốc kháng histamin… để giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Nên trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

- Một số thuốc corticosteroid tại chỗ được dùng giúp giảm các triệu chứng ngứa và viêm.

- Nếu da bị nhiễm trùng, có thể dùng thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

- Hạn chế ăn đồ chiên, nướng, xào, đồ ăn có đường, chất kích thích. Để cung cấp đủ dưỡng chất cho làn da, cần tăng cường ăn rau, trái cây, uống đủ nước…

- Với những trường hợp khô da do bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc mất cân bằng nội tiết tố cần đến khám tại phòng khám chuyên khoa để được điều trị.

3. Lưu ý khi điều trị

Để điều trị tình trạng da khô hiệu quả, nên thực hiện:

- Không dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Không tự ý ngừng thuốc, quy trình điều trị ngay cả khi các triệu chứng đã được kiểm soát.

- Tái khám đúng hẹn.

- Tắm vòi sen hoặc tắm bồn dưới 10 phút.

- Tránh nhiệt độ quá cao và không khí khô.

- Sử dụng kem chống nắng dưỡng ẩm.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm khi thời tiết hanh khô.

- Che da mặt khi thời tiết lạnh và thoa kem chống nắng khi ra ngoài trong thời gian dài.

- Thoa kem dưỡng ẩm ít nhất một lần mỗi ngày, ngay cả khi da không bị khô.

- Chuyển sang sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa và sản phẩm chăm sóc da không chứa hương liệu và thuốc nhuộm.

3 biện pháp khắc phục khô da.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/da-mat-bi-kho-bong-troc-phai-lam-sao-169241021075715726.htm